Việt Nam góp phần tích cực phát triển Cộng đồng Pháp ngữ

Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3), Đại sứ Dương Văn Quảng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ, đã trả lời phỏng vấn về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc phát triển cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam. Ông cũng cho biết những chính sách của Pháp đối sự phát phát triển Cộng đồng Pháp ngữ. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.

Đại sứ Dương Văn Quảng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ.


PV: Thưa đại sứ, trong quá trình toàn cầu hóa thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp chính và có ảnh hưởng đến sự phát triển đến cộng đồng Pháp ngữ nói chung và Việt Nam nói riêng. Vậy ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của cộng đồng Pháp ngữ hiện nay?


Đại sứ Dương Văn Quảng
: Từ trước đến nay, chúng ta quan niệm hơi hẹp là khi nói đến Pháp ngữ chỉ nghĩ đến quan hệ với Pháp và chỉ nghĩ rằng đấy là tiếng Pháp. Trước hết, phải nhắc lại rằng nguyên nhân dẫn đến sự ra đời Pháp ngữ là nhiều nước cùng sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Pháp. Cơ sở để Việt Nam gia nhập cộng đồng Pháp ngữ là xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử, văn hóa. Tổ chức Pháp ngữ có 77 nước, vì vậy nếu chúng ta hiểu quan hệ Pháp ngữ là chỉ quan hệ với Pháp là không đúng.

Do xu thế toàn cầu hóa nên tổ chức Pháp ngữ từ lúc thành lập đến nay đã khác nhiều. Phải nhìn nhận tổ chức Pháp ngữ hiện nay là tổ chức quốc tế. Mục tiêu ban đầu của tổ chức Pháp ngữ là văn hóa và ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Pháp và văn hóa Pháp. Nhưng sau hơn 40 năm tồn tại thì tổ chức này không chỉ là tổ chức ngôn ngữ và văn hóa mà nó còn bao trùm các mục tiêu và tôn chỉ khác.


Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 ở Hà Nội, Tổ chức Pháp ngữ đã quyết định mở ra lĩnh vực hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác kinh tế ba bên. Việt Nam đã tham gia nhiều dự án hợp tác kinh tế ba bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và y tế ở các nước châu Phi. Đây là hình thức hợp tác mang lại hiệu quả tốt.


Sau Hội nghị cấp cao Hà Nội năm 1997, lĩnh vực hợp tác kinh tế được đẩy lên sau đó dần dần đi xuống, nhưng gần đây nhất tại Hội nghị cấp cao 14 họp ở tại Thủ đô Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 10-2012, các nước Pháp ngữ quyết định đến Hội nghị cấp cao tới sẽ thông qua chiến lược về hợp tác kinh tế của Pháp ngữ. Vì vậy hợp tác kinh tế trong tổ chức Pháp ngữ sẽ được ưu tiên.


Hơn nữa từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Tổ chức Pháp ngữ đã đẩy mạnh quá trình xây dựng Pháp ngữ chính trị, nhấn mạnh đến Nhà nước pháp quyền, dân chủ hoá, quyền con người. Để tạo ra khuôn khổ hành động cho Pháp ngữ chính trị, Tổ chức Pháp ngữ đã thông qua hai tuyên bố: Tuyên bố Bamako tháng 11/2000 và Tuyên bố Saint-Boniface tháng 5/2006.


Tóm lại, Pháp ngữ đã trở thành một tổ chức quốc tế thực thụ, lúc đầu chỉ muốn duy trì việc sử dụng tiếng Pháp và duy trì những giá trị văn hóa chung mà các nước thành viên cùng nhau chia sẻ, rồi từ đó phát triển thành tổ chức hợp tác kinh tế và bây giờ trở thành tổ chức mang tính chất chính trị khá đậm nét.


PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam, nhất là trong việc giảng dạy tiếng Pháp?


Đại sứ Dương Văn Quảng: Các nước trong khối đều chú ý đến việc giảng dạy tiếng Pháp. Trong những năm 70 và 80, Việt Nam đã chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Pháp và trước hội nghị cấp cao lần thứ 7 ta đã thỏa thuận với tổ chức Pháp ngữ lập ra các lớp song ngữ để tạo ra nguồn sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam. Kế hoạch này phát triển trong khoảng trên 10 năm, nhưng sau đó vì một số lý do nên không còn được đẩy mạnh. Theo tôi, tiếng Pháp đối với chúng ta là môt ngoại ngữ, nhưng là ngoại ngữ đặc biệt vì tiếng Pháp là một ngôn ngữ làm việc của các tổ chức quốc tế chỉ đứng sau tiếng Anh.

Tiếng Pháp chuyển tải một nền văn hóa, được hiểu theo nghĩa rộng, và những giá trị văn hóa đó không chỉ sử dụng ở các nước nói tiếng Pháp như ở Pháp, Canada…mà mang tính chất toàn cầu. Vì vậy, người biết tiếng Pháp có thể tìm hiểu được kho tàng văn hóa của cả khối Pháp ngữ. Một lý do nữa cần duy trì tiếng Pháp ở nước ta là do mối quan hệ đặc thù mà lịch sử để lại giữa Việt Nam và Pháp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa người ta nói nhiều đến đa dạng văn hóa, đa dạng ngôn ngữ, thì chúng ta không thể gói gọn vào một ngôn ngữ. Hiện nay nếu biết một ngôn ngữ là tiếng Anh không thì chưa đủ. Vì thế việc duy trì giảng dạy và sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam có lý do và và có lợi ích.


PV: Trước việc học tiếng Pháp ngày càng giảm thì theo ông đâu sẽ là biện pháp để khắc phục?


Đại sứ Dương Văn Quảng: Việc giảng dạy ngoại ngữ phụ thuộc vào sự nhìn nhận tầm quan trọng của ngoại ngữ và chính sách của từng nước một. Việt Nam cần nhận thức được rằng dạy tiếng Pháp hay các ngoại ngữ khác phải xuất phát từ lợi ích của chính chúng ta. Việt Nam cần có sự đổi mới và cải cách chương trình và chính sách về giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng.

PV: Kể từ khi Tổng thống Pháp F. Hollande lên nắm quyền, chính sách của Pháp với việc phát triển Pháp ngữ có gì thay đổi không thưa ông?


Đại sứ Dương Văn Quảng: Trước đây, Pháp quan tâm hơi máy móc về việc dạy và sử dụng tiếng Pháp. Đó cũng là lý do để người ta hiểu Pháp ngữ chỉ là tiếng Pháp, nhưng hiện nay tổ chức Pháp ngữ là một tổ chức quốc tế mang đầy đủ ý nghĩa của nó, kể cả ý nghĩa chính trị, nhưng nó mang tính đặc thù, đó là sử dụng tiếng Pháp. Chính sách của Pháp đối với Pháp ngữ hiện giờ cũng khác. Pháp không hỗ trợ việc phát triển tiếng Pháp theo kiểu như ngày trước mà họ nhìn nhận trên góc độ chiến lược và quan hệ quốc tế. Chính phủ Pháp xác định rằng tương lai của tiếng Pháp là ở châu Phi. Theo thăm dò đến năm 2050 thì 85% người nói tiếng Pháp sẽ là người Phi châu.

Pháp quan niệm tiếng Pháp không chỉ là phương tiện chuyển tải một nền văn hóa mà còn cả các giá trị khác như dân chủ, nhân quyền, phát triển bền vững. Trong 10 năm qua, Pháp ngữ nhấn mạnh quá về nhân quyền, dân chủ, nhưng giờ họ cho rằng nếu chỉ có vấn đề dân chủ, nhân quyền không thì chưa đủ, mà còn phải quan tâm đến vấn đề hợp tác và phát triển. Chính sự chuyển biến này mà tại Hội nghị cấp cao Kinshasa lần thứ 14 các nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa chiến lược hợp tác kinh tế trong tổ chức Pháp ngữ vào tuyên bố chung và sẽ thông qua tại hội nghị tới. Pháp thấy rằng tổ chức Pháp ngữ phải phát triển cả ba lĩnh vực gồm: Văn hóa ngôn ngữ, kinh tế và chính trị. Họ coi quan hệ với Châu Phi là quan hệ đặc biệt trong lĩnh vực này. Sau khi lên nắm quyền ông Hollande đã cho rằng cần phải xây dựng một chính sách mới đối với châu Phi, dựa trên lợi ích của hai bên.


PV: Theo ông Việt Nam cần làm gì để làm sâu sắc thêm quan hệ với cộng đồng Pháp ngữ?


Đại sứ Dương Văn Quảng: Theo tôi, chúng ta cần phải có chính sách chung và tổng thể về Pháp ngữ và trong chính sách này phải có một chương đặc biệt về quan hệ với châu Phi. Việt Nam tham gia Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình hình thành, phát triển của tố chức này. Nay là thời điểm chín muồi để hoạch định một chính sách tổng thể, toàn diện về Pháp ngữ, với quan niệm mới vượt ra khỏi quan niệm hạn hẹp cho rằng Pháp ngữ chỉ là tiếng Pháp (như đã nói ở trên). Hiện nay Việt Nam là một thành viên tích cực và có vai trò quan trọng trong tổ chức Pháp ngữ và cần một hậu thuẫn quốc tế thì các nước Pháp ngữ sẽ là những chỗ dựa tin cậy, cần được vận động và thuyết phục, nhưng phải bằng tiếng Pháp.

Chính sách này phải bao hàm cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và tuyên truyền. Vì sao tuyên truyền của ta hầu như không đến được châu Phi? Muốn vươn đến châu Phi thì tuyên truyền trước tiên phải được tiến hành bằng tiếng Pháp, chứ không hẳn chỉ là tiếng Anh vì rằng tiếng Anh chiếm chưa đến một nửa châu Phi. Muốn vậy, Việt Nam phải có nhiều người sử dụng tiếng Pháp, giảng dạy và học tiếng Pháp. Nếu chúng ta không thay đổi thì chỉ khoảng 10 đến 15 năm nữa tiếng Pháp ở Việt Nam sẽ dần mai một và không tồn tại.



Lê Hà và Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)
Việt Nam tham gia tích cực hoạt động của tổ chức Pháp ngữ

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại thủ đô Kinshasa của CHDC Cônggô từ ngày 10 đến 14/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN