Nhiều băn khoăn của giáo viên với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Thời gian thực hiện, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, kiểm tra đánh giá học sinh và cơ sở vật chất... đó là những vấn đề được nhiều giáo viên băn khoăn nhất trong buổi góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào chiều 26/4 tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, đa số các giáo viên đều cho rằng, chương trình này có nhiều ưu điểm như chuyển từ trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất năng lực học sinh và tăng khả năng thực hành gắn liền với thực tế cuộc sống. 


Theo thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, chương trình đã chú ý nhiều hơn về giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống cho học sinh, cụ thể như tăng thời lượng của môn giáo dục công dân từ 1 tiết lên 1,5 tiết; đồng thời bổ sung thêm môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây là môn mới và xuất hiện các môn tự chọn mới.


Tương tự, cô Kim Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, cũng đánh giá cao những mặt tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Kim Cúc cho rằng, ở chương trình giáo dục phổ thông mới đã chú trọng phát triển toàn diện và giúp học sinh định hướng được bản thân của mình. Đồng thời, việc đưa ra nhiều môn học tự chọn sẽ giúp học sinh chọn lựa được những môn học mình yêu thích và định hướng được nghề nghiệp của mình.


Bên cạnh những mặt tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn về nội dung của chương trình, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng như giai đoạn thực hiện đại trà chương trình này.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu không có sự chuẩn bị kỹ người chịu thiệt nhất vẫn là học sinh.

Thầy Trịnh Vĩnh Thanh băn khoăn, theo như chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng một số môn bị cắt giảm. Chẳng hạn, môn Văn từ 5 tiết/tuần còn 4 tiết/tuần; các môn Lý, Hóa, Sinh trước trung bình 5 - 6 tiết/tuần cho cả ba môn thì với chương trình mới chỉ còn 4 tiết/tuần cho 3 môn. Liệu khi giảm tiết học, nội dung giảng dạy của những môn này có giảm? Nếu giảm tiết mà nội dung giảng dạy vẫn không giảm thì đó lại trở thành tăng tải cho cả học sinh và giáo viên. Việc tích hợp ba môn Lý, Hóa, Sinh sẽ được thực hiện ra sao và sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy như thế nào?.


"Nếu ba môn này được tích hợp trong một tiết học thì khá khó, bởi hiện nay chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo giảng dạy kiểu tích hợp trên. Giáo viên dạy Sinh có thể dạy được môn Hóa nhưng giáo viên dạy Sinh lại không thể dạy được Lý và ngược lại", thầy Thanh cho biết thêm.


Còn theo cô Kim Cúc, nhìn chung số lượng môn học vẫn còn khá nhiều, chương trình vẫn còn khá mơ hồ và các môn học có sự chồng chéo so với thực tế. Để quyết định sự thành công của chương trình quan trọng nhất vẫn là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, ở chương trình này một số môn vẫn chưa đào tạo giáo viên và giáo viên đang giảng dạy cũng chưa được bồi dưỡng.


"Nếu chương trình này được thực hiện trong năm học mới sẽ dễ dẫn đến sự chắp vá, giáo viên dạy môn này có thể sang dạy môn kia, sự chuyển đổi như vậy là chưa ổn. Không thể nào một bộ môn mới mở ra, giáo viên chỉ cần đọc sách rồi dạy cho học sinh mà cần phải có sự đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thi cử sẽ được thực hiện ra sao?", cô Kim Cúc chia sẻ thêm.


Thầy Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, băn khoăn: Dự kiến trong năm 2018 - 2019 chương trình này sẽ đưa vào thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có một lộ trình cụ thể có thực hiện thí điểm hay không thực hiện thí điểm. Còn ở môn học tự chọn, ai sẽ là người chọn? Nếu trong năm học này, học sinh chọn học môn Sử nhiều thì trường phải tăng cường thêm giáo viên dạy Sử, nhưng năm học tới học sinh không học môn Sử nữa mà chọn môn Địa thì trường sẽ phải sắp xếp giáo viên như thế nào?. 


Còn ở môn học trải nghiệm sáng tạo, trước kia được lồng ghép vào các môn học khác, còn hiện nay trở thành một môn học riêng thì phải mất 3 - 4 năm để đào tạo giáo viên cho bộ môn này.


Thầy Trịnh Vĩnh Thanh cũng đưa ra ý kiến, nếu chưa chuẩn bị thí điểm cẩn thận thì nên dời thí điểm đại trà vào năm 2018 -2019, bởi nếu không áp dụng thí điểm cẩn thận thì không khéo sẽ lập lại lịch sử của những năm trước đây là phân ban rồi xóa ban và người chịu thiệt vẫn là học sinh.


Đan Phương/ Báo Tin Tức
Tuyển sinh trực tuyến ở Hà Nội sẽ khoa học hơn?
Tuyển sinh trực tuyến ở Hà Nội sẽ khoa học hơn?

Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Thời gian tuyển sinh trực tuyến bắt đầu từ ngày 15 đến 26/6. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ hỗ trợ tối đa phụ huynh trong công tác tuyển sinh trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN