Nhà giáo là Nghị sĩ Quốc hội:

Nhà giáo trong công cuộc đổi mới rất nhiều áp lực cần chia sẻ

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV diễn ra trong tháng tri ân các Nhà giáo Việt Nam. Bên lề kỳ họp, một số đại biểu là nhà giáo đã chia sẻ với phóng viên báo Tin tức những tâm tư với nghề giáo.

Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ:

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ĐHQH tỉnh Hải Dương): Áp lực với giáo viên ngày nay rất lớn

Các thầy cô giáo rất ngại nhắc đến thu nhập. Nhưng thực tế nhiều tấm gương thầy, cô giáo sẵn sàng hy sinh, không tính đến các quyền lợi vật chất. Ví dụ, nhiều các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đã hy sinh rất nhiều. Thứ nhất, họ đã phải xa gia đình, quê hương. Thứ hai, họ chấp nhận nhiều gian khó, thậm chí, có những lúc hiểm nguy để duy trì công việc dạy học ở vùng khó. 

Công việc của một giáo viên miền núi áp lực rất nhiều lần so với một giáo viên miền xuôi. Chẳng hạn, so sánh công việc một giáo viên làm việc tại miền xuôi và một giáo viên người Kinh lên dạy ở miền núi có sự khác biệt rất rõ. Bên cạnh việc dạy học, giáo viên lên vùng khó còn phải biết tiếng dân tộc để có thể giao tiếp và truyền đạt kiến thức tới học sinh một cách tốt nhất. Với những tấm gương như vậy, không có vật chất nào bù đắp được. 

Có những thầy cô giáo gắn bó hàng chục năm, vài chục năm ở miền núi nhưng họ chia sẻ rằng, không đành lòng về xuôi khi mỗi ngày học sinh còn cần sự dìu dắt và dạy dỗ của thầy cô. Chính vì vậy, phần đông các giáo viên ngại đề cập đến quyền lợi vật chất của mình.  

Dư luận xã hội nói nhiều lương giáo viên, các khoản thu nhập khác là thấp với mặt bằng nói chung. Bởi thế, có những thầy cô giáo vì áp lực cuộc sống, nếu có cơ hội để chuyển sang một ngành nghề khác có thu nhập tốt hơn họ sẽ chuyển. Chấp nhận chia tay với nghề mình đã từng gắn bó và tâm huyết.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, thời gian tới việc xếp lương của ngành giáo dục cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Đây là những động viên rất thiết thực đối với các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục. Để đảm bảo thu nhập nghề giáo không quá thấp so với một số ngành nói chung, các thầy cô giáo yên tâm công tác.

Bên cạnh thu nhập về lương, sắp tới sự ra đời của Luật Nhà giáo là sự động viên. Chính phủ đang xây dựng để trình dự thảo chương trình pháp lệnh năm 2024. Sự ra đời của Luật Nhà giáo quy định rõ các chế độ, chính sách đặc thù của nhà giáo. Những người công tác trong ngành giáo dục vừa có sự động viên về vật chất vừa có sự động viên về tinh thần để họ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.  

Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới, các nhiệm vụ giáo dục nặng nề hơn nhiều. Thực hiện chương trình mới đòi hỏi người giáo viên nỗ lực hết mình. Họ có nhiều áp lực đến từ công việc. Thời đại công nghệ số hiện nay, thông tin mở nên bất cứ hành động của giáo viên cũng rất dễ dàng được lan truyền, kể cả tích cực, tiêu cực. Họ chịu sự đánh giá của toàn xã hội một cách khắt khe hơn, thường xuyên, liên tục hơn. Chẳng hạn, nếu lớp học nào cũng lắp camera thì áp lực của họ lớn hơn trước đây rất nhiều. Tôi rất chia sẻ điều này với giáo viên.

Chú thích ảnh
GS.TS Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐHQH TP Hà Nội

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Cần sự nhận thức của toàn xã hội với đổi mới giáo dục 

Giáo dục không chỉ tác động tới đối tượng người học. Một người đi học có rất nhiều người quan tâm liên quan, từ ông bà, bố mẹ, anh chị em... Chính vì vậy, bất kể hoạt động giáo dục nào, cũng không chỉ đáp ứng riêng người học, mà phải đáp ứng nhu cầu nói chung của cả xã hội. Mà nhu cầu của xã hội thì rất đa dạng, mỗi người khác nhau.

Hiện nay, giáo dục đang hướng tới đổi mới về tư duy. Nếu ngày xưa, giáo dục thường dạy theo sách giáo khoa, sách giáo khoa được coi như kinh điển, kinh thánh, phải học thuộc từng từ, từng chữ và nói theo sách giáo khoa, thì ngày nay giáo dục là khai phá. Giáo dục phải tạo ra tư duy mới, người học tự nhận thức và tự hình thành nên tri thức của mình.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đưa ra chủ trương đổi mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Có thể hiểu, chương trình là chuẩn, thống nhất, đưa ra mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, còn để đạt được điều đó thì mỗi bộ sách có thể dẫn dắt theo những cách khác nhau, sách giáo khoa không còn là duy nhất nữa. Đây là một chủ trương đúng, theo xu hướng thế giới, nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Như vậy, đổi mới giáo dục không chỉ ở phía người dạy, hay người học mà cả nhận thức, hành động của toàn xã hội trong việc nhìn vào mục tiêu giáo dục, cùng đồng hành thay đổi. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được điều đó, thì mới có thể đi đến đích.  

Tôi cho rằng, nghề nào cũng vậy, đặc biệt là với nghề giáo, nếu không có tình yêu với nghề thì chắc chắn không làm tốt và và không thể thành công được. Khi có tình yêu với nghề, người giáo viên sẽ đem tất cả kiến thức, những tâm tư, tình cảm của mình truyền tải với người học. Họ cũng có thể vượt qua được tất cả những khó khăn điều tiếng, những ý kiến chưa đồng thuận, ủng hộ… để không bị nản chí, đi chệch đường.

Khi có tình yêu với nghề, họ cũng sẽ có quyết tâm đi đến cùng để báo vệ những giá trị cốt lõi mà mình đang theo đuổi. Đó là điều mà tất cả chúng ta mong muốn những người làm giáo dục hiện nay có được. Nhưng toàn xã hội cũng phải đồng hành để giúp giáo dục phát triển.

Lê Vân/Báo Tin tức
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Trao thưởng cho các nhà giáo tiêu biểu
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Trao thưởng cho các nhà giáo tiêu biểu

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN