Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài cuối: Đáp ứng các yêu cầu xây dựng xã hội học tập

Bên cạnh những kết quả tích cực, thuận lợi trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, việc triển khai các hoạt động để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ giao cho Hội Khuyến học còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều vấn đề của xã hội học tập bị bỏ ngỏ, chưa giải quyết được hoặc triển khai chậm.

Chú thích ảnh
Ngành giáo dục tại các địa phương tiếp tục tham mưu về sắp xếp hệ thống mạng lưới trường lớp, tránh việc dồn ép cơ học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục mầm non… Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, khó khăn lớn nhất là quan niệm không chuẩn về giáo dục thường xuyên, “giáo dục cho người lớn” và lối tư duy về một hệ thống giáo dục khép kín, cứng nhắc còn phổ biến ở một số nhà quản lý giáo dục và nhà hoạch định chính sách giáo dục. Những khái niệm thuộc phạm trù giáo dục thường xuyên như “giáo dục không chính quy”, “giáo dục phi chính quy” thường bị coi nhẹ rất nhiều so với “giáo dục chính quy”. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng “giáo dục cho người lớn” không quan trọng bằng “giáo dục trẻ em”; vấn đề học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập chưa được coi trọng. Trong khi, giáo dục ban đầu chăm lo việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ tuổi cho nền sản xuất tương lai chỉ chiếm khoảng tối đa 17 năm (không kể đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ) trong nhà trường; còn giáo dục tiếp tục (giáo dục không chính quy, phi chính quy) diễn ra lâu dài, giúp bồi dưỡng nhân lực tại chỗ, nâng cao trình độ của người lao động.

Đặc biệt, chính từ những quan niệm lệch lạc trong nhận thức trên, việc “đầu tư nhỏ giọt” cho giáo dục thường xuyên nói chung, công tác khuyến học nói riêng diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao cho Hội Khuyến học. Trong khi một trong các điều kiện xây dựng xã hội học tập là chính quyền phải huy động nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng xã hội học tập thành công.

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay, nước ta chưa có đủ và đồng bộ những bộ Luật quy định về quy mô, hệ thống phát triển giáo dục thường xuyên. Việc tùy tiện xử lý những vấn đề trong lĩnh vực này luôn xảy ra. Chẳng hạn việc một số địa phương sáp nhập Trung tâm học tập cộng đồng (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) với Trung tâm Văn hóa - Thể thao (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý) dẫn đến sự chỉ đạo thiếu nhất quán của loại hình trung tâm này; làm mất đi một thiết chế giáo dục; các chức năng của giáo dục thường xuyên tại trung tâm học tập cộng đồng bị giảm đáng kể. Tại đây, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao là hoạt động chủ yếu; sự đầu tư, củng cố, phát triển trung tâm học tập cộng đồng như một thiết chế giáo dục không chính quy chưa được quan tâm. Nếu các trung tâm học tập cộng đồng không được khôi phục, củng cố, việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân bị ảnh hưởng, khó đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp trung ương đã bị giải thể, cơ quan Thường trực xây dựng xã hội học tập là Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc việc thực hiện quyết định xây dựng xã hội học tập do Thủ tướng ký ban hành. Các địa phương vẫn tồn tại Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Do đó, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, thiếu chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, việc một số địa phương tùy tiện sáp nhập Hội khuyến học với các hội khác không cùng nhiệm vụ hoặc đưa Hội vào sự quản lý hành chính của ngành giáo dục; chế độ thù lao cho cán bộ khuyến học ở các địa phương cũng không thống nhất; việc công nhận bản quyền tác giả cho tài nguyên giáo dục mở chưa được quy định rõ ràng… cũng là những yếu tố làm giảm sút hoạt động khuyến học ở một số địa phương, gây khó khăn cho việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập của đất nước.

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Chú thích ảnh
Đồng bào Chăm ở làng Thành Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) luôn đề cao truyền thống hiếu học. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Theo Hội Khuyến học Việt Nam, đến nay, mô hình xã hội học tập ở Việt Nam đã được định hình về cơ bản, lý thuyết cũng như thực tiễn, những tri thức về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam qua 20 năm, từ khi triển khai Quyết định 112/2005/QĐ-TTg đến Quyết định 1373/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập đã đủ cơ sở hình thành nên những kết luận mang tính pháp lý cần thiết bảo đảm cho việc thực thi học tập suốt đời. Do vậy, đã đến lúc Quốc hội cần xây dựng Bộ Luật về Học tập suốt đời hoặc Luật Giáo dục cho người lớn như nhiều quốc gia đã làm.

Học tập là yếu tố căn cốt của văn hóa, tri thức và trình độ học vấn là nền tảng của văn hóa. Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu về danh hiệu các mô hình văn hóa, lồng ghép danh hiệu “Gia đình học tập” vào “Gia đình văn hóa” vì để trở thành một gia đình văn hóa, trước hết phải là một gia đình học tập.

Giáo dục thường xuyên là chính sách quốc gia, đặt con người vào việc giáo dục suốt đời từ lúc lọt lòng đến khi kết thúc cuộc sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục thường xuyên và hoạch định lại những chính sách về phát triển giáo dục cho người lớn. Đảng, Nhà nước quan cần quan tâm nghiên cứu, đề ra các chủ trương, chính sách về tổ chức và quản lý hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để phát huy tối đa năng lực cống hiến của Hội cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Các địa phương cần gắn phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời" với việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Trung tâm học tập cộng đồng, một thiết chế giáo dục cho người lớn, cần có đầu tư phù hợp về nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để là nơi học tập phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Để tài nguyên giáo dục mở phát triển, cần nghiên cứu và sớm công bố các quy định về bản quyền tác giả trong lĩnh vực này.

Thời gian tới, để khôi phục, phát huy chức năng của các Trung tâm học tập cộng đồng, các cấp Hội sẽ tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương tăng cường quản lý trung tâm học tập cộng đồng thông qua công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo tại trung tâm nhằm xóa mù tin học, kỹ năng lao động mới và ngoại ngữ cho thanh niên nông dân và lao động nông thôn, giúp họ có cơ hội tăng thu nhập, có điều kiện khởi nghiệp.

Hội cũng sẽ phối hợp với ngành Văn hóa hướng dẫn các thư viện mở rộng dịch vụ thông tin cho bạn đọc, mở rộng hệ thống học liệu phục vụ thiết thực cho sản xuất và nhu cầu văn hóa từng cá nhân, gia đình; mở các lớp học đáp ứng nhu cầu cá nhân tại các nhà văn hóa cấp xã, huyện. Đồng thời phối hợp với ngành giáo dục mở cửa thư viện trường học; xây dựng quy chế, hướng dẫn các trường cao đẳng, đại học xây dựng hệ thống (kho) học liệu mở theo chương trình đào tạo của các khoa, mở ra các hình thức dịch vụ giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người lớn…

Các cấp hội tiếp tục phát triển các loại hình quỹ khuyến học, phong trào, giải thưởng theo hướng đa dạng, hỗ trợ cho nhiều đối tượng có cơ hội học tập; đẩy mạnh xã hội hóa việc thực hiện các quyết định của Chính phủ về thúc đẩy phong trào học tập suốt đời theo hướng đưa mô hình công dân học tập, gia đình học tập và đơn vị học tập vào chương trình công tác của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp để huy động mọi nguồn lực phục vụ việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Trong giai đoạn tới, các cấp Hội Khuyến học Việt Nam và toàn thể hội viên hướng toàn bộ hoạt động khuyến học, khuyến tài đáp ứng những yêu cầu xây dựng xã hội học tập theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình học tập để hội nhập sâu vào xu thế xây dựng xã hội “học tập suốt đời” của thế giới hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập” do Thủ tướng Chính phủ phát động; nâng cao năng lực của các tổ chức khuyến học để tham gia có hiệu quả vào cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nhất là “giáo dục người lớn” theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29-NQ/TW.

M.H (TTXVN)
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài 1: Những tín hiệu tích cực
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (2013-2023), hệ thống giáo dục - đào tạo nước ta có bước chuyển quan trọng; có sự đổi mới từ nhận thức, quan điểm tư tưởng chỉ đạo đến chính sách, cơ chế, phương pháp và nội dung đào tạo, nhất là đối với hệ thống giáo dục thường xuyên vốn lâu nay vẫn khép kín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN