Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ 2

Gã tội phạm này phải bị đưa ra công lý và bị trừng phạt vì tội ác của mình; công lý và đạo đức đòi hỏi điều đó. Nhưng không ai tìm kiếm hắn - không cơ quan, không chính phủ, không lực lượng cảnh sát nào - cho đến khi Mossad ra tay.

Chú thích ảnh
Chỉ huy Mossad, Isser Harel, người đã lên kế hoạch và tổ chức chiến dịch bắt cóc trùm Đức Quốc xã Eichmann. Ảnh: Wikimedia 

LẦN THEO VỎ BỌC

Chỉ huy Mossad, Isser Harel (người đã qua đời ở tuổi 91 vào năm 2003) là bậc thầy tình báo nổi tiếng nhất Israel. Với tư cách là vị Tư lệnh thứ hai của Mossad, ông đã biến tổ chức này thành một trong những cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả và táo bạo nhất trên thế giới.

Harel đích thân chỉ huy một số chiến dịch ngoạn mục nhất của Mossad, trong đó đáng chú ý là vụ bắt cóc Adolf Eichmann, người chủ trì "Giải pháp cuối cùng" nhằm tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu, để đưa ra xét xử ở Israel vì tội ác chiến tranh. "Chiến dịch Eichmann" là một trong những vụ bắt cóc được tổ chức tốt nhất bởi một cơ quan mật vụ trong lịch sử hiện đại.

Sau khi nhận được thông tin Eichmann đang ẩn mình dưới cái tên giả Ricardo Klement tại Argentina, Isser Harel đã dành một đêm dài để đọc hồ sơ về Eichmann. 

Vào thời điểm đó, Harel chưa biết nhiều về hắn. Ông viết trong cuốn hồi ký về vụ bắt giữ Eichmann, “Ngôi nhà trên phố Garibaldi”: “Tôi không biết Eichmann là loại người như thế nào. Tôi không biết hắn đã theo đuổi công việc giết người của mình với lòng nhiệt thành bệnh hoạn như thế nào hay hắn lao vào cuộc chiến để tiêu diệt người Do Thái khốn khổ với cùng nhiệt huyết mà hắn đã cống hiến cho việc tiêu diệt cả một cộng đồng…. Nhưng tôi biết khi đứng dậy khỏi bàn làm việc vào lúc bình minh rằng, trong mọi việc liên quan đến người Do Thái, hắn là người có thẩm quyền tối cao và hắn là bàn tay đã kéo những sợi dây kiểm soát việc săn lùng và tàn sát. Tôi biết rằng trong tất cả các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã ở Nuremberg, người đàn ông này đều được chỉ định là tên đồ tể đứng đầu. Tôi biết rằng hắn là bậc thầy trong các phương pháp của cảnh sát, và với sức mạnh của kỹ năng chuyên môn cũng như sự thiếu lương tâm hoàn toàn, hắn sẽ là một kẻ săn mồi cực kỳ nguy hiểm. Tôi biết rằng khi chiến tranh kết thúc, hắn đã thành công trong việc xóa sạch mọi dấu vết của mình với trình độ thượng thừa”.

Harel quyết định rằng gã tội phạm này phải bị đưa ra công lý và trừng phạt vì tội ác của mình; các nạn nhân của cuộc tàn sát yêu cầu điều đó; công lý và đạo đức đòi hỏi điều đó. Nhưng không ai tìm kiếm hắn - không cơ quan, không chính phủ, không lực lượng cảnh sát - cho đến khi Mossad ra tay.

Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Eichmann chắc chắn sống dưới một vỏ bọc an toàn. Hơn nữa, Harel quyết định rằng, bắt cóc Eichmann thì tốt hơn là giết hắn ta theo phong cách của các “biệt đội Avenger” (những nhóm Do Thái truy lùng Đức quốc xã, tự gọi mình là “Nokmim” – tức Avenger). Ông sẽ đưa hắn đến Israel và buộc hắn ra trước tòa án, trước những người mà hắn đã cố gắng tiêu diệt.

Chú thích ảnh
Adolf Eichmann khi được đưa ra tòa án Israel chịu xét xử về một loạt tội ác diệt chủng, chống lại loài người. Ảnh: Getty Images

Harel đề nghị Thủ tướng David Ben-Gurion ủng hộ kế hoạch. Và kể từ đó, bộ máy truy lùng Eichmann đi vào hoạt động và Mossad đóng vai trò chủ lực. Nhưng khi họ kiểm tra địa chỉ được cho là nhà của Eichmann thì hắn không còn sống ở đó nữa. Cuộc tìm kiếm chẳng đi đến đâu, ngoài việc làm rõ rằng một trong những người con trai của Eichmann thực sự đang ở Argentina cùng với Adolf Eichmann.

Cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Các đặc vụ phải cẩn thận không để Eichmann biết hắn đang bị truy lùng. Họ cũng phải chắc chắn rằng họ có thể âm thầm xác định chính xác Klement là Eichmann, bởi vì “điều duy nhất tệ hại hơn việc để vuột mất Eichmann chính là bắt nhầm Eichmann”. 
Nhưng quả thực các nhà điều tra đã lãnh một nhiệm vụ rất khó khăn. Eichmann đã cẩn trọng tiêu hủy mọi bằng chứng về danh tính trước đây của mình. Hắn cũng xóa sạch hình xăm mà tất cả thành viên SS đều có dưới nách trái. Tất cả những gì các nhà điều tra có được đều là những bức ảnh mờ từ trước chiến tranh. Không có một dấu vân tay nào của hắn.

Một bước đột phá đến vào năm 1959 nhờ thông tin được cung cấp bởi nhà địa chất người Đức tên là Gerhard Klammer, người từng làm việc tại công ty xây dựng Capri. “Ricardo Klement” (tên giả của Eichmann) cũng làm việc trong công ty này. Sau đó, khi công ty gặp khó khăn về tài chính, Eichmann chuyển đến Buenos Aires, còn Klammer trở về Đức.

Klammer biết danh tính thực sự của “Klement” vì cái tên Eichmann khét tiếng và ông ta cũng được những tên cựu Đức Quốc xã sống ở Argentina biết đến và bảo vệ. Klammer từng hé lộ với chính quyền Đức vào đầu những năm 1950 rằng Eichmann đang ở Argentina, nhưng họ không mặn mà với thông tin. Năm 1959, sau khi trở về Đức, Klammer kể với một người bạn là linh mục rằng ông từng làm việc cùng Eichmann. Vị linh mục chuyển thông tin cho giám mục của mình, người này lại chuyển nó cho công tố viên người Đức Fritz Bauer. Klammer không chỉ cung cấp địa chỉ nhà của Eichmann mà còn cả ảnh của hai người khi còn làm chung tại công ty xây dựng.

Chú thích ảnh
Bức ảnh cho thấy Eichmann (khoanh tròn) đứng bên cạnh Klammer. Ảnh: jewishvirtuallibrary

Lần này, Fritz Bauer đích thân tới Israel, mang theo thông tin quý giá đến cho chỉ huy Mossad và Tổng chưởng lý Israel. Khi đội Mossad tại Argentina tới địa chỉ mà Klammer cung cấp, họ mới biết rằng Eichmann đã chuyển đến một địa điểm khác.

Đội Mossad tiếp tục lần theo dấu vết của con trai Eichmann và được dẫn đến phố Garibaldi ở khu San Fernando của Buenos Aires. Họ liên tục khảo sát ngôi nhà, chụp ảnh nó từ mọi góc độ bằng ống kính tele, ghi chú về việc nó không có hàng rào, cửa bằng gỗ ván ép và những bức tường không trát vữa. Họ quan sát thói quen của người đàn ông đeo kính, hói đầu sống ở đó cùng gia đình và so sánh ảnh chụp ông ta với bức ảnh họ nhận được từ Klammer. Họ cảm thấy người này gần như chắc chắn là Eichmann. Dù vậy, đội mật vụ vẫn chưa dám đảm bảo 100%.

Vào ngày 21/3/1960, các đặc vụ Israel đã có được bằng chứng. Tối hôm đó, Ricardo Klement xuống xe buýt và đi bộ chậm rãi về nhà. Trên tay hắn là một bó hoa. Klement đưa bó hoa cho người phụ nữ chào đón hắn ở cửa. Con cái của họ ăn mặc xúng xính cho một dịp đặc biệt. Sau đó các đặc vụ nghe thấy tiếng cười của cả gia đình đang trong không khí ăn mừng.

Ngày 21/3 là ngày kỷ niệm đám cưới bạc của Eichmann. Không còn nghi ngờ gì nữa!

Xem tiếp Kỳ 3: Chiến dịch cuối cùng

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo jewishvirtuallibrary, historychannel)
Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ cuối
Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ cuối

Hơn 100 người đã ra làm chứng trong phiên tòa kéo dài 14 tuần, kết thúc bằng việc công bố bản án tử hình vào ngày 11/12/1961. Eichmann kháng cáo bất thành, hắn bị treo cổ vào ngày 31/5/1962.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN