Người bệnh đau mắt đỏ cần làm gì và những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Hiện bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng và lây lan rất nhanh. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, tuỳ vào triệu chứng bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh đau mắt đỏ xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi mắt bị viêm nhiễm.

Chú thích ảnh
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ như mắt đỏ, tiết nhiều ghèn và chảy nước mắt sống. Ảnh: D.T

Có 2 nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ, gồm nguyên nhân không do nhiễm khuẩn (hóa chất, thuốc, dị ứng…) và nguyên nhân do nhiễm khuẩn; trong đó, chiếm đa số là từ nhiễm Adenovirus. Tuy nhiên, khác với mọi năm là do Adenovirus, năm nay ngành y tế xác định tác nhân gây bệnh chiếm đa số là Enterovirus. 

Đường lây truyền chính của bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước mắt, nước bọt, giọt bắn đường hô hấp của người bệnh qua việc bắt tay, sờ chạm, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân của người bệnh, bề mặt có virus, vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ có các triệu chứng như: ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, mắt đỏ, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt sống, mi mắt sưng nề, đau nhức. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…

Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bệnh đau mắt đỏ thường lành tính và ít dẫn đến biến chứng, nhưng trong một số trường hợp viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn dẫn đến giảm thị lực.

Để phòng ngừa bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp như: Thường xuyên vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân. Dùng riêng vật dụng cá nhân trong nhà và nơi làm việc, học tập. Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế dùng tay chạm vào mắt. Cẩn trọng trong việc dùng kính áp tròng.

Mang kính bảo vệ khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi. Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn đầy đủ chất. Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, người dân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng.

Làm gì khi bị đau mắt đỏ?

Theo bác sĩ Phạm Huy Tùng, khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà, người bệnh cần chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu. Thường xuyên rửa tay và mặt sạch với xà phòng sát khuẩn dịu nhẹ. Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt với người khác để ngừa lây nhiễm. Không dụi mắt, không đi bơi, việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Các bác sĩ hướng dẫn, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không đưa tay lên dụi mắt, lau nước mắt; không sử dụng khăn sữa, khăn ướt lau nước mắt, chỉ sử dụng gòn lau một lần rồi bỏ. Giặt chăn mền thường xuyên, lau chùi vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và vật dụng cá nhân của bé. Hạn chế tiếp xúc gần như ôm, hôn, cầm tay… Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Tăng cường sức đề kháng bằng vitamin C, nước cam, chanh…

Người bệnh sử dụng thuốc theo toa và hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua toa ngoài, không dùng cùng 1 chai thuốc với nhau. Tái khám theo hẹn hoặc khi tình trạng nặng hơn.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc.

Trong một số trường hợp, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây tai biến. Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (một tình trạng có khả năng gây mù),… Các tai biến này càng đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Quang Trí, Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...) hoặc để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Bác sĩ lưu ý thêm, nếu người bệnh sử dụng kính áp tròng thì nên tháo kính, nhỏ thuốc sau đó đợi ít nhất 15 phút trước khi đeo kính lại.

5 bước nhỏ thuốc mắt đúng cách:
Bước 1: Rửa tay sạch. Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
Bước 2: Dùng ngón trỏ kéo nhẹ mi dưới xuống, để lộ cùng đồ dưới.
Bước 3: Bóp nhẹ chai thuốc, nhỏ 1 giọt thuốc vào cùng đồ dưới. Tránh để chai thuốc chạm vào mắt, mi mắt hay ngón tay.
Bước 4: Nhắm mắt nhẹ nhàng, dùng tay đè nhẹ vào góc trong mắt. 
Bước 5: Dùng khăn giấy lau nhẹ phần thuốc tràn ra ngoài mi mắt.
Đan Phương/Báo Tin tức
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ

Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ tại tỉnh Đắk Lắk đang tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, ban, ngành đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và không để dịch bệnh lây lan mất kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN