Vào cuộc quyết liệt

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong hai tháng gần đây, ngành du lịch có 2 cuộc họp quan trọng mang tính định hướng phát triển của ngành du lịch. Đó là Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và cuộc họp về “Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Điều này thể hiện sự quan tâm quyết liệt của Chính phủ với sự phát triển của du lịch.

Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tái cơ cấu ngành du lịch, đến năm 2020 du lịch phải đóng góp 10 - 20% GDP, có ít nhất 15 triệu khách quốc tế và 75 triệu khách nội địa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 3 yếu tố để làm du lịch thành công là thể chế chính sách, cộng đồng làm du lịch và xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch.

Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định du lịch là một ngành kinh tế về dịch vụ, có tính chất tổng hợp liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Do đó phải có thước đo và tiêu chí cho ngành du lịch.

“Đề án đang được soạn thảo lại trên cơ sở phân định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương; những công việc cần triển khai ở từng cấp, ngành, doanh nghiệp du lịch và người dân; vị trí của từng vùng động lực phát triển du lịch; mối quan hệ liên ngành trong phát triển du lịch. Việc xây dựng đề án là cơ hội hiếm có để ngành du lịch tái cơ cấu, phát triển bền vững. Ban soạn thảo phân tích, tổng hợp tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hai hội nghị quan trọng trên để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, việc phát triển du lịch thời gian tới vẫn sẽ dựa vào hai thế mạnh là thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, sẽ không để tình trạng khai thác các giá trị của thiên nhiên và văn hóa một cách thiếu bền vững, thiếu bài bản như lâu nay. “Thực tế, thành phố Hội An đã thành công xây dựng điểm du lịch phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu riêng, theo hướng gìn giữ bản sắc, kiến trúc, văn hóa, môi trường; đồng thời đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng kết nối. Nhờ đó Hội An đang trở thành điểm đến không chỉ du khách quốc tế mà còn du khách trong nước. Nhiều du khách đã trở lại Hội An hơn một lần bởi luôn tìm thấy những nét mới trong mỗi lần trở lại. Đây là hướng mà du lịch Việt Nam có thể triển khai trong thời gian tới”, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết.

Đối với những vấn đề nổi cộm hiện nay như HDV chui, ô nhiễm môi trường, Tổng cục Du lịch cùng với chính quyền địa phương xử lý kiên quyết. “Với hình thức cho doanh nghiệp kinh doanh “núp bóng”, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì xử lý, trong đó có cả việc chấn chỉnh doanh nghiệp du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Tổng cục Du lịch cũng đã hoàn tất quy hoạch phát triển từng vùng tầm nhìn đến năm 2030; nhưng để tiềm năng thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn du lịch điểm đến, sẽ cần sự triển khai đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Xuân Cường
Du lịch vẫn phát triển “ngẫu hứng”
Du lịch vẫn phát triển “ngẫu hứng”

Trong 8 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đón hơn 6,4 triệu lượt khách, tăng 25,4%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vẫn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Để du lịch phát triển xứng với tiềm năng, cần một giải pháp tổng thể. Đã đến lúc cần tái cơ cấu ngành du lịch để hoạt động hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN