Du lịch vẫn phát triển “ngẫu hứng”

Trong 8 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đón hơn 6,4 triệu lượt khách, tăng 25,4%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vẫn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Để du lịch phát triển xứng với tiềm năng, cần một giải pháp tổng thể. Đã đến lúc cần tái cơ cấu ngành du lịch để hoạt động hiệu quả hơn.

Dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực chất trong những năm qua, du lịch vẫn phát triển tự phát và chưa thực sự có đầu tư chiến lược. Điều này thể hiện qua con số có hơn 70% lượng khách đến Việt Nam không có ý định trở lại.

Phát triển kiểu tự phát

Do địa hình và nền văn hóa đa dạng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng vì chưa thể biến thành sản phẩm du lịch. “Nếu chỉ là tour mang tính tham quan, khám phá thì du khách chỉ đi 1 lần là đủ. Nhiều tour tham quan Thừa Thiên Huế, Con đường Di sản miền Trung, Hà Nội - Hạ Long 10 năm nay vẫn vậy”, ông Lê Quang Đạo, một hướng dẫn viên lâu năm chia sẻ.

Du khách tìm hiểu về hát xoan Phú Thọ.

Tồn tại dễ nhận thấy nhất trong phát triển du lịch Việt Nam là thiếu quy hoạch, hoặc không theo quy hoạch, dẫn tới những tác động tiêu cực về môi trường và mất nhiều thời gian để khắc phục. Điều này có thể thấy qua việc phát triển của du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Trước đây, việc phát triển du lịch tại Thanh Hóa theo kiểu trăm hoa đua nở, hàng quán mọc san sát chắn hết bãi biển. “Việc để hàng quán tự phát dọc bãi biển khiến tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách xảy ra, do giá thuê kios rất cao. Bên cạnh đó, do nhiều quán xá ven biển nên dẫn tới ô nhiễm môi trường. Việc phát triển du lịch không theo quy hoạch, làm ăn chộp giật, khiến nhiều du khách “tẩy chay” du lịch Sầm Sơn. Nhận thấy vấn đề này, trong hai năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn đã kiên quyết thu hồi giải tỏa các hàng quán dọc ven biển trả lại không gian cho du khách. Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch phát triển các khu điểm du lịch quy mô theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ du lịch và cách làm du lịch dần chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhận xét.

Cách làm du lịch tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) là điển hình cho một thời phát triển du lịch tự phát của hầu hết các tỉnh ven biển. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 125 bãi biển, thuận lợi cho việc phát triển du lịch, chủ yếu tập trung vùng biển Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, ở đâu có khách là bãi biển ô nhiễm do tình trạng xả rác bừa bãi, đặc biệt là tại Hạ Long, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quy Nhơn.

Việc thiếu chiến lược phát triển thị trường khách cũng kéo theo cơ sở hạ tầng, nhân lực chưa đáp ứng phát triển. Dễ nhận thấy nhất là việc thiếu Hướng dẫn viên (HDV) các ngoại ngữ hiếm. Đơn cử như việc thời gian qua Tổng cục Du lịch xác định khách Trung Quốc là thị trường nguồn trọng điểm và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá. Tuy nhiên, việc đón khách tại các địa phương rất bị động. “Khách Trung Quốc vào Khánh Hòa tăng 40% trong những tháng đầu năm 2016, dẫn đến tình trạng thiếu HDV, cơ sở lưu trú hầu hết chuyển từ thị trường khách Nga sang với giá rẻ… Do việc đón khách Trung Quốc bị động, nên không nắm rõ đặc tính thị trường khách, dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân với khách. Nếu các tỉnh đã xác định được thị trường nguồn thì song song với đó, cần chuẩn bị sẵn điều kiện đón khách, trong đó có việc tuyên truyền, phát tờ rơi khuyến cáo du khách về những quy định của địa phương sở tại, điều chuyển HDV tiếng Trung từ các nơi khác về… nếu vậy sẽ không có sự việc đáng tiếc như HDV chui, chặt chém khách…”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết cho biết.

Thiếu nhạc trưởng

Việc phát triển “nóng” du lịch tại một số địa phương cũng để lại những hậu quả khôn lường như việc chìm tàu du lịch Đà Nẵng làm 3 người chết trong tháng 6, hay như vụ chìm nhà hàng nổi tại vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) làm 2 người chết trong tháng 7… Một trong những nguyên nhân là sự quản lý lỏng lẻo tại địa phương về các quy định đảm bảo an toàn cho khách. Do đặc điểm du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên muốn phát triển du lịch phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nhiều ngành.

Những hạn chế này của du lịch Việt Nam cũng đã được chỉ ra từ vài năm nay; nhưng vẫn không khắc phục được. “Nguyên nhân là từ nhận thức về làm du lịch. Trong Nghị quyết và Kế hoạch phát triển đều coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực chất không có bộ máy quản lý hiệu quả, dẫn đến các kế hoạch đều trên giấy hoặc triển khai nửa vời. Là ngành kinh tế tổng hợp nhưng thực chất hiện Tổng cục Du lịch chỉ quản lý cấp giấy phép lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên và công nhận “sao” cho khách sạn. Các lĩnh vực khác đều do đơn vị khác quản lý.

Bản thân Tổng cục Du lịch ra văn bản quản lý nghiệp vụ lữ hành, khách sạn nhưng khi phát hiện sai phạm thì không có thanh tra xử lý. Muốn xử lý phải kết hợp với Sở VHTTDL, Sở DL địa phương. Nếu địa phương không triển khai thì cũng như “đánh trống bỏ dùi”. Quyền lực hạn chế, ngân sách ít ỏi, cả năm kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá chỉ có 30 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 ngân sách quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nội, nên không tạo dựng được hình ảnh du lịch Việt Nam, dẫn đến thiếu khả năng cạnh tranh”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Mới đây nhất, Việt Nam đã có chính sách miễn visa để thu hút khách quốc tế, tuy nhiên việc làm này cũng chưa có tính bài bản, vì như các doanh nghiệp chỉ ra: Nếu thời hạn miễn là 1 năm, thì giá trị chỉ còn 30 - 40%. “Du lịch phải chuẩn bị trước hàng năm, nhất là các điểm xa. Chính sách ngắn hạn quá sẽ khiến du lịch khó phát triển. Bên cạnh đó, dù định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không có chính sách ưu đãi về thuế đất, tiền điện, khu du lịch. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhạc trưởng cho hoạt động điều phối để phát triển du lịch”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Xuân Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN