TP Hồ Chí Minh: Khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng

Trong hai ngày 3 và 4/4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Chương trình khảo sát giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát tham quan Trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh.

Chương trình nhằm hiện thực hóa chủ trương tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong đa dạng hóa sản phẩm, chương trình du lịch liên kết vùng.

Tham gia Chương trình khảo sát gồm khoảng 160 đại diện đến từ Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch; doanh nghiệp du lịch - lữ hành các tỉnh, thành phố. Theo đó, các thành viên tham gia Chương trình khảo sát đã đến tham quan, trải nghiệm những điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, Chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông), Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đình Thông Tây Hội…, trải nghiệm các biểu tượng du lịch gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa và ẩm thực đa dạng của Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Thi, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trúc Giang, tỉnh Bến Tre cho biết, bà rất ấn tượng khi tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở Ủy ban nhân dân – Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, được tổ chức miễn phí định kỳ cho người dân, du khách trong nước và quốc tế. Riêng với sản phẩm du lịch đường thủy, ngoài trải nghiệm tàu 2 tầng chở khách du ngoạn sông Sài Gòn, ngắm Thành phố Hồ Chí Minh về đêm trên sông Sài Gòn bằng tàu Indochina Queen – Nữ Hoàng Đông Dương, bà còn được tham quan tour đường thuỷ tầm ngắn nội đô “Huyền thoại trên dòng kênh xanh” vô cùng đặc sắc.

Đại diện một số đơn vị khác cũng cho rằng, qua Chương trình khảo sát, có thể thấy TP Hồ Chí Minh đã và đang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nội địa đặc trưng, đáp ứng được nhu cầu du khách. Điển hình, sản phẩm du lịch y tế tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh mang đến trải nghiệm tác động cột sống, châm cứu, xoa bóp, trải nghiệm ngâm chân…; Khoa kỹ thuật cao, Bệnh viện Quân y 175 có dịch vụ y tế nổi bật gắn với du lịch như: dịch vụ cấp cứu và cấp cứu trước viện, phục hồi chức năng/phục hồi sức khoẻ, du lịch kết hợp tầm soát kiểm tra, chăm sóc và tư vấn sức khỏe.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát tham quan chợ Bình Tây.

Theo ông Nguyễn Hữu Ân, Phó Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, “Chương trình khảo sát giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố” là một trong những hoạt động trọng tâm, thuộc khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2024, diễn ra từ ngày 4 - 7/4, tại Công viên 23/9, Quận 1. Ngày hội có chủ đề “20 Năm - Hành trình sống động”, thu hút sự tham gia của đại diện sở, ngành du lịch các tỉnh, thành phố, cũng như cộng đồng doanh nghiệp du lịch – lữ hành trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Ân, Sở Du lịch Thành phố sẽ triển khai chương trình khảo sát theo đường thủy với tuyến liên kết Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long…, nhằm kết nối khách hai chiều giữa nhiều địa phương. Cụ thể, khách từ miền Bắc vào Nam có thể trải nghiệm sản phẩm nội đô trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trước khi về các tỉnh, thành phố khác trong khu vực phía Nam. Ngược lại, khách du lịch từ Đồng bằng sông Cửu Long đi miền Bắc sẽ ở lại TP Hồ Chí Minh trước khi du lịch trong và ngoài nước. Ngành du lịch Thành phố mong muốn tăng cường giải pháp để giữ chân khách ở lại ít nhất 2 ngày 1 đêm bằng những điểm đến và sản phẩm du lịch đặc sắc.

TP Hồ Chí Minh có 366 tài nguyên du lịch, việc khai thác, đầu tư làm mới các sản phẩm, đưa vào chương trình du lịch luôn được doanh nghiệp và toàn ngành Du lịch xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Kết quả bước đầu đã và đang tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch cho TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
Liên kết tạo sản phẩm du lịch mới thu hút khách tới Sơn La
Liên kết tạo sản phẩm du lịch mới thu hút khách tới Sơn La

Tỉnh Sơn La đang liên kết với tỉnh Hủa Phăn (Lào) mở tuyến du lịch mới kết nối từ Hà Nội tới Mộc Châu (Sơn La) qua Cửa khẩu Lóng Sập đến thị xã Sầm Nưa (Hủa Phăn, Lào). Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La xung quanh chủ đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN