Luồng sinh khí mới cho hệ thống thư viện cộng đồng tại Hà Nội

Với vai trò cung cấp thông tin cho người dân, xây dựng và tham gia phát triển văn hóa đọc, hệ thống thư viện cộng đồng trên địa bàn Hà Nội được xác định là thiết chế văn hóa có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy vậy, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng nhiều luồng văn hóa mới đã tác động lớn hệ thống thư viện cộng đồng và văn hóa đọc. Bên cạnh một số mô hình còn hoạt động hiệu quả, hầu hết thư viện cộng đồng đang thiếu vắng độc giả cần luồng sinh khí mới.

Chú thích ảnh
Duy trì hoạt động tại Thư viện cộng đồng tại Hà Nội.

Những mô hình hoạt động hiệu quả

Số liệu thống kê đến hết năm 2023, trên địa bàn tại Hà Nội có 1.096 thư viện cộng đồng. Trước đây, loại hình này có tên gọi chung là thư viện cơ sở gồm: Thư viện, tủ sách, phòng đọc sách tại các thôn, làng, cụm dân cư, tổ dân phố… Đa số thư viện cộng đồng hiện nay được đặt tại các nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, khu chung cư, một số ít được đặt trong khuôn viên đình, chùa. Thực tế, không gian nhà văn hóa tại các huyện ngoại thành dành cho hoạt động thư viện cộng đồng thuận lợi hơn do có không gian rộng. Ngoài vị trí đặt tủ, giá sách, các thư viện này còn có không gian chung để bạn đọc ngồi đọc sách tại chỗ. Còn các thư viện cộng đồng tại quận nội thành, nhiều nơi không có không gian đọc tại chỗ, chủ yếu phục vụ bạn đọc bằng hình thức cho mượn sách về nhà.

Thư viện cộng đồng thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín là điển hình phục vụ cộng đồng hiệu quả tại Hà Nội. Từ những cách làm hay trong huy động, thu hút nguồn lực xã hội hóa đến phương thức tổ chức quản lý và phục vụ nhân dân địa phương nên thư viện này là địa chỉ yêu thích của bà con trong thôn. Hiện nay, thư viện thôn Bình Vọng có trên 15.000 bản sách, với đủ các thể loại, từ chính trị xã hội, giáo dục tư tưởng đạo đức, phong cách sống; tôn giáo, văn học, khoa học kỹ thuật… Trung bình hằng năm, thư viện đón gần 3.000 lượt độc giả trong thôn, xã và người dân địa phương khác đến đọc, mượn sách. Trong số đó, có đến hơn 50% độc giả cao niên, 40% thanh thiếu niên đến với thư viện. Thư viện vinh dự được đón Đoàn thư viện Hoàng gia Thụy Điển cùng hàng chục đoàn ở các tỉnh, thành phố đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và hoạt động thư viện.

Nằm ngay trong nội thành Hà Nội, dù đời sống văn hóa tinh thần nhân dân khá phong phú nhưng Thư viện cộng đồng làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ vẫn là địa chỉ tin cậy của người dân. Bà Nguyễn Thị Tuyên, phụ trách thư viện vốn là người tâm huyết với văn hóa đọc nên sau khi nghỉ hưu đã quyết tâm gây dựng, phát triển thư viện phục vụ bà con trong khu dân cư. Bà lên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận đề xuất được hỗ trợ về tổ chức quản lý, phương thức hoạt động; xin nguồn sách từ Trung tâm, vận động cá nhân ủng hộ sách… Hiện nay, thư viện có gần 7.000 đầu sách các loại, mở cửa mỗi tuần từ 2 - 3 buổi, thu hút đông người dân trong các khu dân cư 1, 2, 3 phường Bưởi đến đọc, mượn sách. Thư viện còn thường xuyên phối hợp tổ chức trưng bày báo Xuân, tập huấn hoạt động liên quan đến văn hóa, các buổi giao lưu giới thiệu sách. Chị Nguyễn Thị Phương, thư viện viên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ nhận xét, Thư viện cộng đồng làng Hồ Khẩu hoạt động hiệu quả, thu hút khách đông như một số thư viện cấp quận, huyện khác.

Trên địa bàn thành phố còn có các thư viện thôn Kim Tân (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây), thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), thôn Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), thôn Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa), thôn Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ), thôn Cung Sơn (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ)… cũng là những thư viện hoạt động hiệu quả.

Chú thích ảnh
Thư viện cộng đồng thôn Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) với hơn 5.000 đầu sách. 

Cần thêm luồng sinh khí mới

Hiện nay, số lượng thư viện cộng đồng trên địa bàn Hà Nội tương đối cao nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế. Một số thư viện cộng đồng tồn tại nhưng không duy trì hoạt động do các điều kiện còn khó khăn. Hầu hết thư viện có địa điểm hoạt động nhưng vị trí không thuận tiện cho người dân hoặc diện tích sử dụng hạn chế, thiếu không gian cho hoạt động trưng bày, giới thiệu sách. Kinh phí hoạt động, vốn sách báo và nhân lực chủ yếu phụ thuộc nguồn xã hội hóa nên thiếu tính ổn định cho hoạt động phục vụ bạn đọc tại địa phương.

Nguồn kinh phí hoạt động của đại đa số thư viện cộng đồng đều từ nguồn xã hội hóa. Hiện, chỉ có rất ít thư viện cộng đồng được chính quyền thôn hỗ trợ kinh phí cho việc mua sách phục vụ người dân địa phương (điển hình, thư viện thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Hay nguồn tài liệu khi thành lập và bổ sung hàng năm đều dựa vào nguồn xã hội hóa. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2023, toàn mạng lưới thư viện cộng đồng trên địa bàn thành phố có 296.991 bản sách.

Có những thư viện trước kia hoạt động hiệu quả, thu hút đông khách nhưng sau một thời gian gián đoạn bởi COVID-19 trở nên vắng khách. Điển hình là thư viện cộng đồng thôn Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm). Cũng từ 200 - 300 đầu sách ban đầu, được hệ thống Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện huyện Gia Lâm hỗ trợ, Thư viện thôn Giang Cao phát triển lên hơn 5.000 đầu sách. Được xã Bát Tràng hỗ trợ trụ sở khang trang, thư viện từng là địa chỉ được người dân trong thôn thường xuyên lui tới đọc sách, giao lưu. Thời điểm năm 2019 trở về trước, có những ngày, Thư viện thôn Giang Cao thu hút hơn 100 lượt bạn đọc, ngày vắng cũng vài chục độc giả. Tuy nhiên, sau COVID-19, lượng bạn đọc giảm rõ rệt, thỉnh thoảng đón một vài bạn đọc. Ông Đào Ngọc Thụy, thủ thư của thư viện chia sẻ, hơn 20 năm làm thủ thư, gắn bó với thư viện nên ông thấy rất tiếc. Hiện nay, mỗi tuần thư viện mở cửa vào thứ 5 và Chủ nhật để duy trì hoạt động nhưng bạn đọc thì vắng bóng.

Trước thực trạng này, để hệ thống thư viện cộng đồng hoạt động hiệu quả, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội Vương Thị Lý cho biết, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt thư viện phù hợp điều kiện thực tế địa phương, giúp giảm ngân sách Nhà nước, khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng được xác định tại Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg năm 2017.

Cũng theo bà Vương Thị Lý, để phát triển, duy trì hoạt động mạng lưới thư viện cộng đồng thời gian tới, Thư viện Hà Nội nói riêng và ngành Văn hóa Thủ đô nói chung tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm đầu tư, nâng cao tinh thần sẻ chia trách nhiệm xã hội trong tạo lập, cải thiện môi trường đọc, học tại thư viện. Đồng thời, tham mưu các cấp chính quyền tạo dựng cơ chế, chính sách thích hợp về xã hội hóa hoạt động thư viện; đảm bảo thực hiện tốt chính sách động viên khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực về nhân lực, vật lực và tài lực cho hoạt động thư viện cộng đồng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc hiệu quả, bền vững.

Để tăng cường sách, báo phục vụ bạn đọc tại các địa phương, Thư viện Hà Nội và thư viện quận, huyện, thị xã tiếp tục luân chuyển sách tới thư viện cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Những nỗ lực đó sẽ từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò, vị thế của thư viện và sách trong đời sống văn hóa xã hội.

Tin, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)
Hà Nội: Trao tặng 'Tủ sách Đặng Thùy Trâm' cho thư viện xã Văn Khê 
Hà Nội: Trao tặng 'Tủ sách Đặng Thùy Trâm' cho thư viện xã Văn Khê 

Ngày 21/12, Lễ trao tặng "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" cho thư viện xã Văn Khê, đã diễn ra tại Nhà Văn hóa thôn Khê Ngoại 3, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN