Đua ngựa, truyền thống văn hóa của dân tộc Mông

Ngày 3/9, đông đảo du khách và người dân đổ về bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu để tận mắt xem những màn đua ngựa gay cấn tại giải Đua ngựa Tam Đường. Chương trình nằm trong chuỗi Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường 2023, chào mừng 78 năm Quốc khánh 2/9.

Chú thích ảnh
Các nài ngựa đua nhau về đích. 

Các nài ngựa tham gia lần này đều đến từ các xã của huyện Tam Đường, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những ngựa đua là giống ngựa bản địa của người Mông nuôi dưỡng, huấn luyện. Ngựa của người Mông tuy không cao lớn nhưng rất bền sức. Giải đua mang tính chất giải trí nhưng được đông đảo du khách và người dân đến xem, cổ vũ nhiệt tình.

Đường đua ngựa được xây dựng ở một khoảng đất trống tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng đang vào mùa gặt. Hai bên đường đua được giăng dây để đảm bảo khán giả không chạy vào đường đua gây mất an toàn.

Theo thể lệ của giải, các nài ngựa thi đấu vòng loại vào buổi sáng và thi đấu bán kết, chung kết vào buổi chiều. Mỗi lần đấu vòng loại có 5 nài ngựa thi tài. Đường đua 7 vòng tương đương với chiều dài 1.500m. Hai nài ngựa về nhất và nhì ở mỗi lần đua được chọn vào đấu vòng bán kết và cuối cùng là chung kết.

Khi hiệu lệnh của trọng tài vang lên, những ngựa đua nhanh chóng tăng tốc tranh tài. Các nài ngựa khéo léo điều khiển ngựa của mình chạy nhanh nhất và đúng phần đường. Người điều khiển ngựa là những nông dân, ngồi trên con ngựa không có yên, không bàn đạp chân, chỉ có dây cương làm từ thừng bện. Hai bên đường đua, người dân và du khách hò reo cổ vũ, không khí náo nhiệt, tưng bừng càng thêm động lực để các nài ngựa thi tài.

Nài ngựa Giàng A Sinh ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết, để chuẩn bị cho cuộc đua, anh đã lựa chọn ngựa đẹp nhất trong đàn của gia đình nuôi. Luyện tập nhiều tháng trời, thuần thục điều khiển ngựa. Chăm sóc kỹ lưỡng để ngựa có thể trạng tốt nhất tham gia cuộc đua.

Ông Vàng A Giao, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết, ngày xưa người Mông không thể thiếu ngựa vì giúp người dân thồ hàng hóa mỗi lần xuống chợ phiên, chở củi, chở nông sản trên rừng, trên nương về nhà… rất hữu ích trong lao động sản xuất của người Mông. Người Mông thường tổ chức đua ngựa vào những dịp trọng đại như lễ, Tết… Thời bây giờ có xe máy, có xe cơ giới nên ngựa ít được dùng vào công việc hàng ngày.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Sùng Lử Páo, đua ngựa là truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông. Từ xưa, đồng bào có truyền thống tổ chức các giải đua ngựa ở chợ phiên. Hiện nay, huyện Tam Đường đã khôi phục được giải đua ngựa để đồng bào dân tộc trên huyện Tam Đường nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng bảo tồn, phát triển giống ngựa bản địa và ngày càng chăn nuôi phát triển đàn gia súc gia cầm tốt hơn. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đậm chất truyền thống trong ngày hội văn hóa dân tộc Mông, thu hút du khách đến với huyện Tam Đường.

Kết thúc giải đấu, Ban Tổ chức đã trao Giải nhất cho nài ngựa Giàng A Chứ, Giải nhì cho nài ngựa Giàng A Sinh ở xã Tả Lèng, Giải ba thuộc về nài ngựa Giàng A Tu xã Thèn Sin.

Bài, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Sôi nổi Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng
Sôi nổi Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng

Ngày 30/1, UBND huyện Tuy An phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Yên tổ chức Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng. Đây là lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm tại Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN