Đề xuất giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước COVID-19

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.

Vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch COVID-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế; trong đó, có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: chiến tranh, dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự…

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Khủng hoảng COVID-19 là một trường hợp điển hình được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu”, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do mức độ và chiều hướng tác động của COVID-19 lên các ngành có sự khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ; trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Chú thích ảnh
Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trình bày kết quả chính của Báo cáo.

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trình bày kết quả chính của Báo cáo. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, cho kết quả cho thấy, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, năng lực quản trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công; 20,5% cho rằng thị trường khách hàng là nguyên nhân chính; 20% lựa chọn khả năng thích ứng với khủng hoảng dựa trên quy mô vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cho rằng, khả năng vượt qua khủng hoảng COVID-19 còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Với các trường hợp đã vượt qua đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phát triển, doanh thu, lợi nhuận, kỹ năng đều tăng và hoàn thiện hơn.

Để nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất định hiện tại, bà Nguyễn Thị Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng, do việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay, để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ lại có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược; đồng thời, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cũng cho rằng, các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh. Từ đó, biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...

Nhóm nghiên cứu báo cáo cho biết, mục tiêu của nghiên cứu tập trung vào việc: làm rõ tầm quan trọng của hoạt động lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng; đánh giá kinh nghiệm, chiến lược, bài học kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng dịch COVID-19 và đưa ra những giải pháp, định hướng nhằm nâng cao năng lực thích ứng với khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, nghiên cứu cũng đóng góp vào việc xây dựng các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động quản trị, nâng cao năng lực dự báo, ứng phó và phục hồi của doanh nghiệp sau các cuộc khủng hoảng trước những biến động của nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng các Báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thúy Hiền (TTXVN)
Khai phá tiềm năng vươn ra toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam
Khai phá tiềm năng vươn ra toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 27/10, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc “Amazon Week 2022: Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN