Vĩnh Long: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngay sau Tết Nguyên đán

Tại Hội nghị đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, tổ chức ngày 20/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh các nhiệm vụ như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Theo đó, các ngành, địa phương chủ động theo dõi diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình người lao động trở lại làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.

Các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các địa phương tiến hành công tác giao - nhận quân năm 2024 đảm bảo kế hoạch và đạt chỉ tiêu; tập trung sản xuất lúa, màu vụ Đông Xuân đạt hiệu quả; triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Bình Tân sớm đưa doanh nghiệp vào hoạt động.

Mặt khác, các cấp ủy Đảng tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; lãnh đạo thực hiện tốt các bước công tác chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, nhất là công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Vĩnh Long, các ngành, địa phương đã tập trung chăm lo chu đáo, phục vụ nhân dân đón Tết Giáp Thìn 2024 trong không khí đầm ấm, vui tươi, an toàn. Tỉnh tổ chức thăm và tặng trên 124.000 phần quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 51 tỷ đồng; tặng hơn 251.100 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, công nhân, người lao động… với tổng số tiền trên 118,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tổ chức 116 điểm bán hàng bình ổn, với tổng giá trị khoảng 344,5 tỷ đồng, góp phần đảm bảo thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu dịp Tết ổn định, chất lượng, đáp ứng nhu cầu.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Hơn 94% doanh nghiệp tại Bình Dương hoạt động, sản xuất ổn định như trước Tết
Hơn 94% doanh nghiệp tại Bình Dương hoạt động, sản xuất ổn định như trước Tết

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến chiều 19/2, khoảng 94% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với 90,7% lao động làm việc. Đáng chú ý, 95,8% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh hoạt động trở lại sau Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN