Sắp xếp lại nơi neo đậu các phương tiện thủy ven bờ Vịnh Hạ Long

Theo rà soát của ngành chức năng, địa bàn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có rất nhiều loại tàu thuyền đang hoạt động; trong đó có 650 tàu cá, 506 tàu du lịch, 64 đò, 50 phương tiện tàu hàng thường xuyên hoạt động dọc sông Diễn Vọng. Việc không ít các tàu neo đậu không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Giải quyết dứt điểm tình trạng các phương tiện thủy neo đậu không đúng nơi quy định tại các khu vực vùng đệm ven bờ Vịnh Hạ Long (ảnh tư liệu).

Hệ lụy từ neo đỗ sai quy định

Theo thống kê của thành phố Hạ Long, hiện khoảng 400 tàu cá, cùng các phương tiện cung ứng, hậu cần thường xuyên hoạt động tại khu vực vùng nước thuộc địa phận phường Bạch Đằng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình ngư dân sinh sống, sinh hoạt ngay trên tàu, thuyền xả rác thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường. 

Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố vẫn duy trì thu gom rác. Song vệ sinh môi trường ở khu vực này chưa đảm bảo  do các phương tiện tập trung tại đây đều là các tàu, thuyền vỏ gỗ cỡ nhỏ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom chất thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng thường xuyên có mùi hôi thối kèm rác thải, chất thải rắn trôi nổi, đặc biệt tại cầu ngắm cảnh thuộc khu vực Vincom. Thực trạng này ảnh hưởng đến khách du lịch khi tham quan, người dân khi đi qua khu vực này.

Chị Nguyễn Thị Hải (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long) cho biết, chị thường đi bộ dọc đường bao biển. Đi qua khu vực chân cầu Bài Thơ, hay trên đoạn đường bao biển song song với công viên Lán Bè, người dân thường xuyên ngửi thấy mùi khó chịu. Theo chị Hải, việc di chuyển tàu, thuyền đỗ ở nơi khác là cần thiết. Dọc tuyến đường này, nhiều du khách từ các nơi đến ngắm cảnh, check-in, do đó cần có môi trường sạch, không gian biển thoáng đãng để họ được ngắm các hòn đảo trên vịnh.

Bên cạnh đó, việc các tàu đánh bắt thủy, hải sản ở các địa phương khác lợi dụng neo đậu, tránh trú bão để biến vùng vịnh Hạ Long thành ngư trường đánh bắt trái phép gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái biển và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy... 

Lý giải về việc neo đậu sai quy định, các ngư dân cho rằng họ cho tàu, thuyền vào các khu vực ven bờ vịnh neo đậu là để tránh trú bão, tránh dông lốc. 

Kiên quyết xử lý phương tiện thủy neo đỗ sai quy định 

Hiện tại, khu vực Vịnh Hạ Long đã cơ bản được bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng, cảng bến, khu neo đậu đối với các phương tiện tàu biển, tàu công tác, tàu hàng, tàu du lịch. Tuy nhiên, địa phương chưa bố trí được hạ tầng cảng, bến neo đậu cho các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản cùng các cơ sở cung ứng hậu cần.

Do đó, trong thời gian thành phố hoàn thiện quy hoạch và đầu tư dự án khu hậu cần nghề cá, điểm neo đậu tàu thuyền tại phường Hà Phong, tàu thuyền neo đậu không đúng nơi quy định tại các khu vực ven Vịnh Hạ Long sẽ được đưa về khu vực bến neo đậu tàu thuyền Cái Xà Cong (phường Hà Phong) và khu vực bến cá (phường Cao Xanh) quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng các phương tiện thủy neo đậu không đúng nơi quy định tại các khu vực vùng đệm ven bờ Vịnh Hạ Long thuộc địa giới hành chính các phường: Bạch Đằng, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Hồng Gai, Yết Kiêu..., từ ngày 2/8, thành phố Hạ Long ra quân xử lý các phương tiện này. Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã yêu cầu hai tàu cá do ngư dân thị xã Quảng Yên làm chủ di chuyển. Tuy nhiên, các chủ tàu này không hợp tác. Lực lượng chức năng đã tiến hành lai dắt đưa hai tàu về điểm đỗ theo quy định.

Theo UBND thành phố Hạ Long, hiện nay, các lực lượng tiến hành song song công tác tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tàu di chuyển. Các chủ tàu nếu cố tình không di dời tàu sẽ bị các lực lượng cưỡng chế và xử phạt hành chính theo quy định.

Trong ngày đầu ra quân xử lý các phương tiện thủy neo đậu không đúng quy định, mới chỉ có một số tàu di chuyển do nhiều chủ tàu vắng mặt. Lực lượng chức năng đã xử lý các phương tiện neo đậu, bám buộc vào thành cầu, lan can, bờ kè để bốc dỡ hàng hóa, hải sản từ phương tiện lên bờ cũng như các phương tiện giao thông đường bộ dừng đỗ không đúng nơi quy định để cung ứng, vận chuyển cho các phương tiện tàu thuyền trên. Song song với đó, lực lượng chức năng gửi thông báo, tổ chức ký cam kết với các chủ phương tiện, thuyền viên tàu, thuyền về việc neo đậu đúng nơi quy định ven bờ Vịnh Hạ Long.

Sau buổi ra quân, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ như: Kiểm tra, tuần tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tàu, thuyền neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh Hạ Long; kiên quyết xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện truyền thông đối với các chủ phương tiện, thuyền viên cố ý vi phạm quy định về neo đậu phương tiện tàu, thuyền gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long.

Dự kiến trong tháng 8/2023, thành phố sẽ thực hiện rà soát, thống kê số lượng các phương tiện thu mua, khai thác thủy, hải sản, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thường xuyên hoạt động ven bờ Vịnh Hạ Long làm cơ sở để xây dựng phương án quản lý, sắp xếp neo đậu phương tiện theo quy định.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Cấm neo đậu phương tiện thủy tại khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long
Cấm neo đậu phương tiện thủy tại khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long

Từ 1/8, các phương tiện thủy nội địa sẽ không được neo đậu tại khu vực vùng đệm ven bờ Vịnh Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN