Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Trên vùng chiến khu năm xưa

Là vùng căn cứ địa cách mạng trong các cuộc kháng chiến cứu nước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến với những vườn Tiên – núi Chúa, núi Cà Tang, Hòn Kẽm – Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn, làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, thủy điện Khe Diên, mỏ than Nông Sơn. Tiềm năng lớn này đang được khai thác hợp lý, bền vững để hướng đến mục tiêu trước mắt là đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Cầu Nông Sơn, một trong những dự án trọng điểm tại địa phương chuẩn bị hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Quốc Quân

Ông Thái Bình, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn cho biết, để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, những năm qua, huyện chú trọng huy động, lồng nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh để xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Tổng vốn đầu tư được huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua lên đến xấp xỉ 400 tỷ đồng. Tuyến ĐT610 vừa được nâng cấp thành quốc lộ 14H, kết nối tuyến đường Đông Trường Sơn đi các huyện vùng tây xứ Quảng, tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Đến nay tất cả các địa phương trong huyện đều có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, thế cô lập ở những làng xa xôi cách trở đã được xóa bỏ hoàn toàn. Cầu Nông Sơn và tuyến đường nối từ cầu này đến đường Trường Sơn Đông sắp sửa hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn để Nông Sơn khai thác hiệu quả tiềm năng của mình. Đến nay, toàn huyện đạt 96 tiêu chí, bình quân 16 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo ở Nông Sơn giảm xuống còn 10%, bình quân giảm trên 11%/năm.

Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của huyện Nông Sơn trong mối liên kết phát triển với các vùng kinh tế động lực của tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh: Nông Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược, có điều kiện liên kết với các trung tâm du lịch; có nhiều địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng, còn lưu giữ màu sắc lễ hội văn hóa, tâm linh. Vì vậy, huyện cần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần giàu lòng mến khách trong nhân dân; có giải pháp cụ thể, hấp dẫn hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng.

Để làm được điều này, Nông Sơn cần tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu, nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng, đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa, tăng thu nhập cho người dân. 

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ huyện Nông Sơn chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp 15%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân từ 9-11%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5-7%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 9-11%/năm, thương mại - dịch vụ 11-13%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm đạt 250 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn dưới 2%, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân được Nông Sơn xác định là hướng tiếp cận cụ thể để giảm nghèo bền vững. Cùng với việc trồng rừng nguyên liệu tập trung mỗi năm đạt 4.000ha, mỗi năm có khoảng 1.500ha đến tuổi khai thác với năng suất bình quân 50m3/ha, mỗi năm các địa phương trong huyện trồng mới thêm trên 300 ha cao su đại điền và tiểu điền. Riêng cao su đại điều hiện tại Nông Sơn đã có gần 1000 ha đang đến tuổi khai thác. Đặc biệt trong 2 năm qua, chương trình trồng rừng gỗ lớn đã được người dân Nông Sơn chú trọng. Toàn huyện đã trồng trên 120 ha, dự kiến đến cuối năm nay diện tích rừng gỗ lớn của địa phương sẽ đạt trên 200 ha và tăng nhanh trong những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho hay. 

Vùng chiến khu năm xưa đang đổi thay từng ngày. Nông Sơn đang tiếp tục triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, hướng đến mục tiêu xóa nghèo một cách bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đang nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Quảng Nam ra mắt Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh
Quảng Nam ra mắt Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh

Chiều 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tỉnh Quảng Nam tổ chức khai trương Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC Edu).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN