Khởi sắc cuộc sống đồng bào thiểu số Thủ đô

Kể từ ngày 1/8/2008, theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, nhiều vùng đồng bào dân tộc, miền núi thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã trở thành một phần của thành phố Hà Nội.

Từ chủ trương, việc làm đúng đắn, hợp lòng dân, sau 15 năm về với Hà Nội, diện mạo, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của các xã miền núi đã hoàn toàn đổi thay trong bức tranh đổi mới của nông thôn Thủ đô.

Từ trung tâm thành phố, theo Đại lộ Thăng Long, rẽ vào đường tỉnh lộ 446, tới trục đường liên xã: Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân, những làng quê trù phú của người Mường hiện ra, với nhiều nhà tầng san sát, hai bên đường là cánh đồng xanh tốt trong nắng thu. Trước mỗi căn nhà của người đồng bào đều cắm lá cờ Tổ quốc đỏ tươi mừng Tết Độc lập 2/9.

Chú thích ảnh
Ảnh: Ông Bùi Thanh Vân chăm sóc vườn bưởi. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Ngay bên cạnh tuyến đường liên xã, thuộc thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là mảnh vườn rộng hơn 6.000 mét vuông của nhà ông Bùi Thanh Vân - người dân tộc Mường, với bạt ngàn những cây bưởi diễn xanh tốt. Cách đây 15 năm trước, thời điểm còn ở tỉnh Hòa Bình, gia đình ông chỉ biết trồng những cây tạp, cho giá trị kinh tế thấp. Từ khi xã Yên Bình được sáp nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội, những nông dân như ông được các cấp chính quyền, hội đoàn thể tư vấn, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng những cây có giá trị kinh tế cao, như: hoa ly, bưởi diễn. Từ cách làm nông nghiệp mới, đời sống của người nông dân xứ Mường từng bước được đổi thay. Ông Vân nêu cảm nhận, sau 15 năm về Hà Nội, hạ tầng xã hội có nhiều dự án được Nhà nước đầu tư khang trang hiện đại. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp, giúp người Mường thay đổi cách nghĩ, cách làm để đời sống ấm no hơn. 

Cho biết rõ hơn về kết quả giúp người Mường nói riêng, nông dân trong xã nói chung trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Đinh Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình chia sẻ, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành từ thành phố tới huyện, cùng sự nỗ lực của người dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển vật nuôi, cây trồng, như: chăn nuôi gà, trồng chè, thanh long…, cho thu nhập cao, năm 2008, xã có 179 hộ nghèo nhưng đến nay, chỉ còn 1 hộ nghèo. Xã Yên Bình đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Chú thích ảnh
Đồng bào Mường thu hoạch chè. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Xã Yên Trung trước thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), từ ngày 1/8/2008 đã sáp nhập về huyện Thạch Thất. Lúc bấy giờ, xã Yên Trung - nơi có tới hơn 82% dân số, là đồng bào dân tộc Mường có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Thạch Thất. Có khu dân cư còn chưa có điện lưới quốc gia; đường xá cơ bản là đường đất, mưa lầy nắng bụi, đi lại khó khăn. Ngày nay, đời sống của người dân đã thay đổi nhanh chóng, khởi sắc.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Nguyễn Trung Hiếu. Ảnh Kim Nhung/TTXVN

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung thông tin, sau 1/8/2008, lãnh đạo thành phố, huyện về khảo sát để cho thi công ngay hệ thống điện để đồng bào được thụ hưởng. Đến nay hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã được bê tông hóa trên 90%; giao thông nông thôn, cũng như hệ thống điện đã được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, tuyến xe buýt trợ giá từ Hà Đông về Yên Trung càng làm cho cuộc sống đồng bào Mường ở đây tiện lợi, văn minh hơn.

Cũng như nhiều địa phương khác, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và thành phố Hà Nội, người dân Mường, Dao ở các xã miền núi của huyện Ba Vì đã "thay da đổi thịt".

Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có đến 94% dân số là đồng bào Dao sinh sống. Do nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô, nên xã đã được các cấp quan tâm đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, xã được thành phố triển khai "Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch; củng cố, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị". Đi kèm với đó, thành phố đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao ở Ba Vì. Nhờ những đầu tư trên, người Dao càng có điều kiện mở mang trồng, bào chế, sản xuất thuốc nam truyền thống. Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà, hiện cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc, với 9 hợp tác xã thuốc nam. Nhờ có thu nhập tốt từ cây thuốc, nhiều hộ đồng bào Dao đã xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ô tô, cùng các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống, đầu tư cho con em học hành. Bên sườn núi Ba Vì, thi thoảng lại có từng tốp đồng bào dạy nhau sử dụng nhạc cụ truyền thống, như: cồng chiêng, kèn, chũm chọe (chập cheng), giúp đời sống tinh thần đồng bào thêm tươi vui.

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, không chỉ có xã Ba Vì, sau 15 năm về với Thủ đô, 7 xã miền núi trước đây thuộc diện khó khăn, nay cũng đã trở thành xã nông thôn mới, do được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư, dành nhiều nguồn lực để kinh tế, xã hội phát triển.

Chủ tịch huyện Ba Vì nhớ lại, trước đây khi chưa sáp nhập, huyện Ba Vì rất khó khăn, hạ tầng xã hội xuống cấp, đời sống đồng bào lạc hậu, nghèo khó, ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào của địa phương. Khi về với Thủ đô, Ba Vì đã được quan tâm đầu tư toàn diện: chi đầu tư cho phát triển tăng từ hơn 145 tỷ đồng năm 2008 lên khoảng hơn 300 tỷ đồng năm 2022. Kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, với 100% các xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,05% (năm 2008) còn 0,58% (năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người vào năm 2022.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tự hào chia sẻ: Bộ mặt địa phương, nhất là đồng bào thiểu số hiện nay đã thay khởi sắc hơn nhiều so với năm 2008. Đồng bào đã biết phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các điểm du lịch nổi bật, như: cụm đền Trung - Thượng - Hạ; các khu du lịch Khoang Sanh, Ao vua, Thiên Sơn Suối Ngà... Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số đã hoàn toàn khác so với cách đây 15 năm.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức với trên 55.000 người; chủ yếu là người Mường và Dao. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2021-2025, thành phố dành 2.100 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội; 600 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo nghề. Năm 2022, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, có nơi đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Nhờ quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, thành phố, cùng với nỗ lực vượt lên khó khăn của chính đồng bào đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho những xã người Dao, Mường của Hà Nội.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Đồng bào dân tộc Mông Lai Châu rộn ràng xuống phố vui Tết Độc lập
Đồng bào dân tộc Mông Lai Châu rộn ràng xuống phố vui Tết Độc lập

Đến hẹn lại lên, cứ dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông ở khắp các thôn, bản xa xôi của tỉnh Lai Châu lại nô nức tụ hội miền đất gió Than Uyên để chung vui ngày Tết Độc lập, giao lưu văn hóa, trao đổi các mặt hàng truyền thống, thể hiện tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN