Đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá - Bài cuối: Đổi thay nổi bật trong phát triển kinh tế

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, năm 2022, tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy những thành tựu đã đạt được, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Hậu Giang trở thành nơi hội tụ của những trái tim ấm áp, đầy nhiệt huyết, những nhà đầu tư tiềm năng, có tầm nhìn, là nơi của những đổi thay nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Chú thích ảnh
Hậu Giang triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8%

Ông Đồng Văn Thanh cho biết, trong khó khăn, thử thách, với tinh thần "đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng", Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua thách thức, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, sự nỗ lực không ngừng và ý chí vượt khó, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của quân và dân, Hậu Giang đã đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. GRDP năm 2021 của tỉnh tăng trưởng dương, đạt 3,08% - đứng thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,04% - mức tăng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP  "mỗi xã một sản phẩm" đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần tăng giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân; số dự án thu hút đầu tư trong nước tăng 35% so với cùng kỳ.

Công tác cải cách  hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hậu Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật, được thể hiện qua các Chỉ số PCI, PARINDEX; PAPI và SIPAS đều tăng so với cùng kỳ. Tỉnh Hậu Giang xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về thực hiện chuyển đổi số; chỉ số Vietnam Ict Index tăng 15 bậc, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố.
 
Nhìn lại năm qua, Hậu Giang đạt được nhiều cái nhất. Năm có số thu ngân sách trên địa bàn cao nhất từ trước đến nay; trong đó thu nội địa vượt mốc 4.000 tỷ đồng, đạt 4.220 tỷ đồng, tăng 11,27% so với cùng kỳ, đạt 126,83% dự toán Trung ương giao. Thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công nhận mới 3 xã nông thôn mới, nâng tổng số đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 35/51 xã, chiếm 68,62%; công nhận 2 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh là 5/51 xã, chiếm 9,8%.

Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công được thực hiện đến cấp huyện, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Trong đó, tối thiểu 10% số lượng thủ tục được giải quyết "4 tại chỗ" là "tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả". 

Chính vì những điều đó Hậu Giang mạnh dạn đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 như tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 8%, trong đó, khu vực I tăng 3%,khu vực II tăng 16,79%, khu vực III tăng 6,33%. GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người, tương đương 2.609 USD. Cơ cấu kinh tế khu vực I là 25,29%, khu vực II là 27,19%, khu vực III là 38,17%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 18.600 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9.002 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn 4.800 tỷ đồng (thu nội địa 4.300 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 500 tỷ đồng). Hậu Giang hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết tâm cao với nhiều giải pháp

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân trong thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép". Do đó, từng ngành, từng cấp phải xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, năm 2022, tỉnh đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Đó là tỉnh sẽ tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc liên quan nhà đầu tư; cũng như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các sở, ngành và địa phương về thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cụ thể, tỉnh sẽ công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về quy hoạch, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương. Tỉnh tiếp tục triển khai đề án hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Hậu Giang đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nhà ở và các công trình trọng điểm đầu tư công.

Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ cho công tác tạo quỹ đất sạch trong phát triển công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Khẩu hiệu hành động của tỉnh là "2 nhanh" và "3 tốt", đó là "nhanh giải phóng mặt bằng và nhanh thủ tục đầu tư"; 3 tốt là "cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt". Hậu Giang lấy năm 2022 là năm doanh nghiệp, với quan điểm "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui".

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hậu Giang xác định xây dựng 5 nông sản chủ lực, có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ ở ba thị trường là tại chỗ, vùng miền và xuất khẩu.

Vấn đề quan trọng được tỉnh Hậu Giang quan tâm là tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Bằng việc tỉnh xác định cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án tạo nguồn lực phát phát triển, các dự án kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa. Để từ đó, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng.

"Hậu Giang đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên các nguồn lực đầu tư công thực hiện các dự án lớn, quan trọng, các dự án có tác động lan tỏa. Tỉnh dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2022 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa thông tin thêm: Tỉnh sẽ đưa du thuyền theo kênh xáng Xà No vào hoạt động trước Tết Nguyên đán, góp phần khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh.

Bên dòng Xà No, niềm tin bay bổng theo điệu nhạc nhà ai dập dình chào năm mới, bỗng cất lên giai điệu "Đàn sáo Hậu Giang" làm da diết cả khúc sông:

"Chào Hậu Giang hôm nay
Những con người phơi phới, đang bay xa"…

Phạm Duy Khương (TTXVN)
Đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá - Bài 1: Khát vọng lớn
Đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá - Bài 1: Khát vọng lớn

Năm 2021, Hậu Giang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện các nhiệm vụ chính trị với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân đã đưa tỉnh vươn lên thành điểm sáng trong thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN