Nhạc sĩ Văn Chung thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ông có nhiều sáng tác thành công về đề tài nông thôn, về cuộc sống của làng quê kháng chiến, làng quê xây dựng cuộc sống mới. Ông cũng là tác giả của nhiều bài hát hay cho thiếu nhi. Ông sinh ngày 20/6/1914, cách đây tròn 100 năm.
Khởi đầu con đường âm nhạc với kiến thức ít ỏi tự học, ông chơi măngđôlin, côngtrơbát cho các tiệm nhảy ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Văn Chung, tên thật là Mai Văn Chung, quê ở xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Ông nguyên là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, thành viên Hội nhạc sĩ Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành khóa I và Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa II. |
Ông cũng thường xuyên sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau để sáng tác nhạc. Năm 1935, ông đã viết bản nhạc đầu tay “Tiếng sáo chăn trâu”. Đây cũng là một trong những sáng tác đầu tiên của nền âm nhạc mới Việt Nam. Sau đó là các tác phẩm “Bóng ai qua thềm” (1937), “Bên hồ liễu” (1939), “Hồ xuân và thiếu nữ” (1939). Ngoài ra, ông còn tham gia Đoàn kịch Anh Vũ cùng với những nghệ sĩ nổi tiếng như: Thế Lữ, Song Kim, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Xuân Khoát...
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập nhóm văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc, phụ trách tổ văn nghệ trong quân đội, sau đó chuyển sang Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Văn Chung đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, mang âm điệu dân gian, được phổ biến rất rộng rãi. Tiêu biểu là bài “Hò dân cày”(1947) - một trong những bài hát được nông dân rất yêu thích.
Những năm tiếp theo, Văn Chung viết một loạt bài hát: “Lập chiến công” (1948), “Đợi anh về” - phổ thơ Simonov, Tố Hữu dịch (1949), “Pỉ noọng ơi!” (tức Anh em ơi!) (1950). Đáng chú ý, năm 1954 (năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp), ông viết bài “Quê tôi giải phóng” tặng chiến sĩ Đại đoàn 308 trong những ngày về tiếp quản Hà Nội. Một bài hát rộn ràng không khí hòa bình và đậm đà âm hưởng dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn Chung sáng tác khá nhiều, tiêu biểu có các bài: “Bài ca trên đường thống nhất” (1955), “Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng” (1957), “Tính hẹn cùng tình” (1958), “Từng bước đi vững chắc” (1964)… Trong đó, “Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng” là bài hát được nam nữ thanh niên rất yêu thích. Bài hát nói về tinh thần lao động của giới trẻ nông thôn ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, vỡ đất hoang, làm thủy lợi. Về cấu trúc âm nhạc, Văn Chung đã khéo léo vận dụng kiểu đối đáp trong lối hát dân gian Việt Nam và dùng điệu thức ngũ cung để đưa vào bài hát tạo nên giai điệu rất gắn bó với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải cho con trai cố nhạc sĩ Văn Chung trong lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh ngày 19/5/2012. Ảnh : Nguyễn Đình Toán |
Năm 1964, ông được cử làm Giám đốc Nhà hát giao hưởng - hợp xướng - nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong quãng thời gian sau đó, ông tiếp tục sáng tác rất nhiều bài hát, ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Những sáng tác của ông luôn tươi mới, nêu bật hình ảnh của làng quê kháng chiến, hình ảnh những người nông dân một nắng hai sương trong cuộc sống thường ngày, với những nét hồn hậu, chất phác và đầy ắp giai điệu dân ca.
Không chỉ sáng tác những tác phẩm ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhạc sĩ Văn Chung còn có rất nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi. Khéo léo sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian vốn có, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông trở nên sinh động hơn, dễ hát hơn và đặc biệt là dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Đó là các bài “Đếm sao” (1947), “Lượn tròn lượn khéo” (1959)…