Cái nôi của phong trào 'Ba nhất'

Ngày 18/6/1960, tại hội thi pháo binh toàn quân, Đại đội 2 pháo binh, đoàn Vinh Quang là đơn vị đầu tiên đạt danh hiệu "Ba nhất". Nội dung “Ba nhất” là: nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất. Từ đó phong trào thi đua "Ba nhất" được phát động trong toàn quân.

Sau này, Bác Hồ đã biểu dương “…quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba Nhất. Công-Nông-Binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Nam Bắc nhất định thống nhất, non sông một nhà”.

 

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỉ XX, khắc phục muôn vàn khó khăn thiếu thốn để xây dựng miền Bắc XHCN vững mạnh, làm hậu phương lớn cung cấp sức người sức của cho chiến trường miền Nam, nhiều phong trào thi đua nở rộ như hoa mùa xuân. Cùng với các phong trào “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, phong trào “Ba nhất” góp thêm sức mạnh trong vườn hoa thi đua XHCN, cùng tiến quân vào làm chủ khoa học-kỹ thuật, xây dựng quân đội lớn mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Ảnh minh họa: TTXVN


Đại đội 2, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, Đoàn Vinh Quang - nơi khởi nguồn ngọn cờ “Ba nhất”

 

Đầu năm 1960, với cách bắn tập trung, bắn chặn cố định của cán bộ, chiến sỹ mới được học tập, Trung đoàn 68 tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng núi Múc- Hòa Lạc. Đoàn tuyển thủ ngày đó gồm các cá nhân và đại đội thi bắn ngắm gián tiếp và trực tiếp đều quyết giành ngôi thứ xứng đáng. Cùng với huy chương vàng của các cá nhân, Đại đội 2 pháo 75mm thuộc Tiểu đoàn 10 của Trung đoàn 68 đã đoạt huy chương vàng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã biểu dương Trung đoàn với thành tích: Đơn vị bắn giỏi nhất, đoàn có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia thi nhất, đoàn có thành tích đều nhất. Đại tướng còn khái quát thành tích của pháo binh Đoàn Vinh Quang là đơn vị "Ba nhất" (tức là giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất) mà tiêu biểu là đại đội 2 được vinh dự là đơn vị "Ba nhất" đầu tiên trong toàn quân.

 

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Từ cái nôi của phong trào thi đua “Ba nhất” là Đại đội 2, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, Đoàn Vinh Quang, các đơn vị trong toàn quân nô nức hưởng ứng. Tiêu biểu là các đoàn pháo binh Trường Sơn, pháo binh Tất Thắng, pháo binh Yên Thế, đoàn pháo binh Hòa Bình-Tây Bắc, đoàn công binh Sông Lô, công binh Sông Thao... với những tên gọi rất sáng tạo như: Đại đội chuyên môn cờ đỏ; Đêm tháng Năm; Đi cùng Ba nhất; Dũng cảm đánh hăng, tiến chắc, tiến nhanh, thi đua vững vàng; Một bước lấy đà ba bước nhảy vọt...

 

Tác động của phong trào thi đua “Ba nhất” còn rộng rãi hơn, nó có ý nghĩa phổ biến trong việc đẩy tới một giai đoạn cao hơn, tạo nên một bước đà phát triển mới của phong trào chung thi đua tiến nhanh, tiến mạnh xây dựng miền Bắc XHCN. Trong quân đội, phong trào thi đua “Ba nhất” là một hình tượng thi đua vừa cụ thể vừa sinh động, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể.

 

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Đại biểu cựu chiến binh Trung đoàn 68 pháo binh Anh hùng, Sư 304 (Đoàn Vinh Quang) nhân dịp đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội năm 2010. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN


Phong trào thi đua “Ba nhất” có tính sáng tạo rất mới mẻ, vận dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động của bộ đội. Từ phong trào thi đua “giỏi một mặt, biết nhiều mặt” tiến lên “đều nhất”; từ những tổ “tên lửa”, “mũi nhọn” tiến lên “tổ tiên tiến của phong trào”…, phong trào thi đua “Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ mọi người trong đơn vị hăng say thi đua sáng tạo lập thành tích xuất sắc. “Ba nhất” vừa như cánh én báo hiệu mùa xuân, vừa có sức sống như những ngọn măng non mọc thẳng tạo nên cao trào thi đua yêu nước sôi nổi trong toàn quân.

 

Trải qua các cuộc kháng chiến, Trung đoàn 68 đã tham gia 2.000 trận đánh, trực tiếp và góp phần tiêu diệt, bắt sống 2 vạn tên địch, bắn cháy và bắn chìm 7 canô, tàu chiến, phá hỏng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, khẩu pháo, hàng chục máy bay các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

 

"Ba nhất" không chỉ lôi cuốn các đơn vị trong toàn quân tham gia mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương, đơn vị, góp phần to lớn củng cố khối đoàn kết công - nông - binh. Nhiều cơ quan, xí nghiệp, địa phương đã thi đua giao ước, bắt tay cùng đơn vị “Ba nhất”. Tiêu biểu là cán bộ công nhân trên Công trường Cọc 6 (Cẩm Phả) và nông dân xã Tam Hưng (Hà Đông).

 

Hơn 50 năm sau ngày ra đời, cái nôi của phong trào thi đua “Ba nhất” - Trung đoàn Pháo binh 68 năm xưa, vẫn là đơn vị Đơn vị quyết thắng, xứng đáng với 8 chữ vàng: "Chủ động - Kiên cường - Đánh giỏi - Bắn trúng".

 

Có thể nói, phong trào “Ba nhất” thực sự có sức sống lâu dài và góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh tốc độ xây dựng quân đội tiến lên. Từ nội dung đến hình thức cũng như phương pháp tiến hành, cùng với các phong trào khác trong toàn quốc, “Ba nhất” đã làm cho không khí thi đua XHCN thêm sôi nổi.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp
Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp

Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ có nhiều tác phẩm nổi tiếng, một nhà giáo đã có công tổ chức, lãnh đạo Trường Mỹ thuật và giảng dạy nhiều thế hệ họa sĩ kế tiếp các hoạ sĩ lớp trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN