Người 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc M’nông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã được hồi sinh nhờ sự đóng góp của bà An Đê (57 tuổi).

Năm 2012, bà An Đê đã được UBND tỉnh Bình Phước công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm.

Nghệ nhân An Đê với sản phẩm dệt thổ cẩm.

Với quyết tâm giữ nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ bị mai một ở địa phương, bà An Đê đã quyết định thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở thôn Sơn Hòa với 35 thành viên yêu nghề dệt. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ, bà đã cùng các thành viên trong Câu lạc bộ sáng tạo nhiều sản phẩm như túi, xách, khăn, váy, áo thổ cẩm...Câu lạc bộ được Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đã mở 3 lớp tập huấn nghề dệt thổ cẩm cho các thành viên trong Câu lạc bộ, từ đó nhiều thành viên đã vững tay nghề hơn.

Nghệ nhân An Đê cho biết,từ niềm đam mê vẻ đẹp của những tấm thổ cẩm, bà quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc M’nông bởi nếu không tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ, sau này nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ bị mai một. Kể từ khi Câu lạc bộ được thành lập, phụ nữ trong thôn thêm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Bà An Đê mong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông luôn được giữ gìn.

Ngoài nghệ nhân An Đê, để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông, không thể không nhắc đến vai trò của già làng, trưởng thôn luôn tích cực tuyên truyền trong cộng đồng dân cư qua các buổi hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, loa truyền thanh, qua đó khuyến khích người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Đến nhà văn hóa thôn, chúng tôi được chứng kiến buổi dệt thổ cẩm tập trung của các chị em phụ nữ tại Nhà văn hóa thôn. Dưới bàn tay khéo léo của các chị, những sợi chỉ nhỏ trở thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo. Theo các thành viên Câu lạc bộ dệt, hiện nay, họ không còn trồng bông để lấy sợi, tìm lá, vỏ cây rừng để nhuộm màu cho sợi mà phải mua len, chỉ công nghiệp với nhiều màu sắc khác nhau để thay thế. Vì vậy, mỗi tấm thổ cẩm có giá thành rất cao, giá bán ra nhiều lúc không đủ bù đắp công sức và chi phí ban đầu bỏ ra. Có những tấm thổ cẩm phải mất một năm người thợ dệt mới có thể hoàn thành nhưng bán giá chỉ có hơn 2 triệu đồng.

Nghệ nhân An Đê (phải) cùng thành viên dệt thổ cẩm tại nhà.

Em Thị Na (20 tuổi) ở thôn Sơn Hòa cho biết: Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc, em rất thích. Được các bà, các mẹ, các chị, nhất là bà An Đê chỉ dạy tận tình cách dệt thổ cẩm, em càng đam mê với nghề dệt và đã có những sản phẩm dệt đơn giản như khăn, ví...

Bà Thị Phơm (63 tuổi) thành viên Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở thôn Sơn Hòa chia sẻ: Bà An Đê là người rất có tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Thế hệ trẻ bây giờ nhiều người không còn thích thổ cẩm nữa, nhưng với lòng nhiệt huyết, bà An Đê đã truyền đạt cho nhiều chị em, các cháu biết dệt vải. Bà con ở đây rất tự hào vì có người như An Đê tâm huyết với nghề truyền thống của đồng bào M’nông.

Trưởng thôn Sơn Hòa, ông Điểu Thanh cho biết: Ở thôn Sơn Hòa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc đang được các nghệ nhân như An Đê truyền đạt cho các thế hệ rất tốt trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sản phẩm dệt thổ đang gặp khó khăn về "đầu ra". Hiện sản phẩm làm ra chủ yếu được xuất bán theo các đơn đặt hàng nhỏ lẻ của người dân địa phương, do vậy, người dệt thổ cẩm chưa thể sống được từ nghề. Nghệ nhân An Đê chia sẻ: Hiện những sản phẩm thổ cẩm chỉ được sử dụng trong các lễ hội truyền thống, trong đám cưới, đám hỏi, các hội thi. Đồng bào rất muốn dệt thổ cẩm có "đầu ra" để người dân yên tâm làm nghề và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Gia Lai
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Gia Lai

Dưới tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Gia Lai đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng này, tỉnh Gia Lai cũng như các nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN