Lai Châu bảo tồn môn thể thao truyền thống đẩy gậy

Ở tỉnh Lai Châu, cùng với những môn thể thao truyền thống như kéo co, bắn nỏ, tung còn..., môn đẩy gậy không thể thiếu trong mỗi dịp đầu Xuân, lễ hội, hội thi thể thao hoặc giao lưu văn nghệ thể thao, được tổ chức ở khắp các bản làng hay các cơ quan, đơn vị.

Thi đẩy gậy trong ngày tết Độc Lập năm 2016 ở Lai Châu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Môn thể thao này có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhiều người dân miền núi. Gia đình anh Tao Văn Ún (sinh năm 1976, dân tộc Lự, ở xã vùng cao Bản Hon, huyện Tam Đường) có đến 8 người là anh em ruột, vợ chồng, con cái, là vận động viên đẩy gậy của đoàn thi đấu thể thao huyện Tam Đường.

Tại Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ XI - năm 2017, sắp diễn ra tại Lai Châu, gia đình anh Tao Văn Ún có 5 người trong tổng số 26 vận động viên của đoàn vận động viên tỉnh Lai Châu. Từ trước đến nay, ranh Tao Văn Ún đã giành được hàng chục huy chương các loại với môn đẩy gậy, trong đó có hơn chục huy chương vàng, tại các giải thi đấu cấp khu vực và toàn quốc.

Xã Bản Hon - nơi anh Tao Văn Ún sinh ra và lớn lên, đã trở nên nổi tiếng với danh hiệu "cái nôi" của phong trào đẩy gậy của tỉnh Lai Châu. Anh Tao Văn Sỏ (sinh năm 1987, em trai anh Tao Văn Ún) chia sẻ, ở nhà, anh được anh trai truyền cho nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật thi đấu, như cách thục gậy, chiến thuật tì đầu gối để ghìm, thấy đối thủ "nặng ký" phải đổi chiến thuật nhanh để đối phương bất ngờ, mất tập trung... Anh thường xuyên cùng trai tráng trong bản tập luyện, rồi cùng nhau thi đấu. Anh Tao Văn Sỏ đã từng giành được huy chương vàng môn đẩy gậy cấp quốc gia.

Ông Trần Văn Chí, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, đẩy gậy là môn thể thao phù hợp với đồng bào các dân tộc, thu hút đông đảo người tham gia thi đấu và người cổ vũ. Tỉnh Lai Châu rất quan tâm phát triển phong trào thể thao truyền thống nói chung, môn đẩy gậy nói riêng. Tại các lễ hội, hội thao, các giải thi đấu thể thao từ cơ sở đến tỉnh đều đưa môn đẩy gậy vào thi đấu, thu hút số lượng vận động viên tham gia rất đông.

Đặc biệt, để nâng cao thành tích thi đấu, phát triển môn đẩy gậy, từ năm 2015, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án đào tạo năng khiếu thể dục thể thao và vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Lai Châu, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, Lai Châu đưa 5 môn vào đào tạo, trong đó có cả môn đẩy gậy.

Thông tin thêm về Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ XI - năm 2017 sắp diễn tại Sân vận động thành phố Lai Châu, ông Trần Văn Chí, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Lai Châu, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải cho biết: Tham dự giải có 150 vận động viên thuộc 11 đoàn của 11 tỉnh, thành phố tham gia gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang và tỉnh Lai Châu. Các vận động viên nam và nữ thi đấu ở 26 hạng cân...

Hiện, tỉnh Lai Châu đã sẵn sàng từ cơ sở vật chất đến công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh, y tế... phục vụ Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ XI. Giải sẽ khai mạc vào ngày 7/5 và dự kiến kết thúc vào ngày 13/5.


Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Phát huy bản sắc thể thao truyền thống
Phát huy bản sắc thể thao truyền thống

Những ngày này, sân vận động thành phố Lai Châu luôn “tràn ngập” tinh thần thể thao. Tại sân đấu, các vận động viên đều cố gắng thi đấu hết mình để đạt thành tích cao nhất. Các cổ động viên luôn cuồng nhiệt cổ vũ cho đội mình và cũng luôn nhiệt tình ủng hộ tất cả các đội chơi. điều này cho thấy, phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN