Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer

 Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có gần 45.000 hộ với hơn 180.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 61% dân số. Lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 67%, đa phần sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu “cha truyền con nối” nên hiệu quả kinh tế thấp.


Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, những năm qua, huyện Trà Cú đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của từng đối tượng. Từ đó, huyện đã mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhu cầu đều được học nghề phù hợp. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2010 - 2013 huyện đã tổ chức hơn 100 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 2.500 lao động nông thôn; trong đó, hơn 60% lao động học nghề trồng trọt và chăn nuôi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng mở 173 lớp chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho gần 8.000 lượt nông dân…


Sau khi được học nghề, cộng với những kinh nghiệm sẵn có đã giúp nhiều nông dân ở huyện Trà Cú ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi, mở rộng sản xuất; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò vỗ béo, trồng màu luân canh, chuyên canh trên đất lúa…


Ông Lê Hoàng Phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo việc làm giảm nghèo huyện Trà Cú cho biết: “Sau khi lao động học nghề, huyện đã tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy số vốn vay không lớn, chỉ đủ mua một con bò hoặc mua giống, phân bón sản xuất 1 vụ lúa, màu… nhưng nhờ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đã đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đơn cử như, từ dự án giảm nghèo, năm 2012 huyện đã đầu tư 124 triệu đồng cho 13 hộ dân vay để nuôi bò vỗ béo và trồng màu. Qua theo dõi, kiểm tra các hộ đều sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả. Năm 2013, huyện tiếp tục triển khai 4 dự án với tổng nguồn vốn 616 triệu đồng cho 68 hộ dân của 4 xã An Quảng Hữu, Ngọc Biên, Phước Hưng và Tân Sơn vay để trồng trọt, chăn nuôi.


Huy Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN