Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Không dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu

Chiều 29/9, trong buổi trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII, trọng tâm các câu hỏi của đại biểu Quốc hội dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình xoay quanh những vấn đề về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết quả xử lý nợ xấu và việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

 

Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trình Phiên họp, trong hơn 8 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đạt được mục mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (chỉ số CPI 8 tháng đầu năm tăng 1,84%), duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm 2013), đưa dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức kỷ lục. Đây là những yếu tố quan trọng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sử dụng làm căn cứ nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tháng 7 vừa qua từ mức B2 lên B1.

 

Tiếp tục giải quyết nợ xấu

 

Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tập trung rất nhiều ý kiến về tiến độ giải quyết nợ xấu của ngành ngân hàng được đại biểu coi như “cục máu đông” làm tắc nghẽn “huyết mạch” của nền kinh tế. Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế hỏi: “Xã hội rất quan tâm đến tình hình nợ xấu. Liệu có phải chúng ta bắt bệnh chưa chuẩn hay kê thuốc chưa đúng mà nợ xấu có tín hiệu tăng trở lại hay không?"

 

Trước băn khoăn của đại biểu Phùng Văn Hùng và các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích: “Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh trúng, nhưng liều lượng phải tùy thuộc vào khả năng của chúng ta có thuốc đến đâu cũng như sức khỏe của người bệnh thế nào. Nguyên tắc của chúng ta là không dùng ngân sách nhà nước để xử lý. Không có nguồn lực tài chính hiện thực thì không thể mua đứt bán đoạn nợ xấu được”.

 

Liên quan đến tình hình hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 1 năm đi vào hoạt động, ngoài xây dựng bộ máy, tổ chức, VAMC đã mua được tổng cộng 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Hiện nay, VAMC đang tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật (cơ cấu lại, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm...). Là định chế mới được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, nhưng kết quả đạt được ban đầu của VAMC là rất đáng khích lệ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Công nhận nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, Thống đốc cũng chỉ ra một nguyên nhân đáng lưu ý là việc các Tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn đã phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu. 

 

Nhận trách nhiệm về sai phạm của các tổ chức tín dụng

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về trách nhiệm đối với những sai phạm của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua, trong đó có Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, xảy ra thời điểm nào cũng thuộc về trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.

 

Thống đốc cho biết, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác kiểm tra giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, phương châm của Ngân hàng Nhà nước không hình sự hóa các quan hệ dân sự, chỉ mong muốn phát hiện tất cả các sai phạm, tạo điều kiện cho các bên sai phạm khắc phục, đến khi không khắc phục được, gây ra sự thất thoát tiền bạc, tài sản của đất nước, của nhân dân thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật hình sự.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thêm, việc xử lý các ngân hàng yếu kém như ngân hàng Đại tín – Tiền thân của Ngân hàng Xây dựng dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dùng chính lực lượng thị trường để xử lý các ngân hàng này, do vậy phải tìm các đối tác đầu tư có năng lực về tài sản để tham gia tự nguyện vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng này. Tất cả các ngân hàng yếu kém trong thời gian vừa qua đều tiến hành theo phương pháp này, nhờ đó mới giữ được sự ổn định và tiết kiệm được nguồn lực của nhà nước một cách tốt nhất.

 

Thống đốc một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Thống đốc, của Ngân hàng Nhà nước trước những sai phạm toàn ngành ngân hàng nói chung, VNCB nói riêng, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của công tác thanh tra, giám sát trong thời gian qua đã giúp cho việc phát hiện sai phạm để xử lý kịp thời.

 

Đảm bảo khả năng tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch 2014

 

Trước một số ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng như câu hỏi của đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) và một số đại biểu khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo kế hoạch từ đầu năm đã đề ra. Điều này khẳng định năng lực dự báo, phân tích đạt hiệu quả cao hơn. Thống đốc khẳng định, năm 2014, hoàn toàn có khả năng tăng trưởng tín dụng 12-14%.

 

“Tỷ lệ này là phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế, tránh để tăng trưởng tín dụng quá lớn gây bất ổn kinh tế vĩ mô và làm gia tăng lạm phát”, Thống đốc giải thích.

 

Cùng với việc ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ công tác này, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh quá trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp và địa phương; tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp đến tận cấp phường để tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ.

 

Kết thúc ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các lĩnh vực được chất vấn tại Phiên họp thứ 31 có tầm quan trọng đặc biệt, có vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tiếp theo.

 

Tài nguyên, môi trường và khoáng sản là vật tư chủ yếu của nền kinh tế; chính sách tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế, là cơ sở để đảm bảo cho sự phát triển của đất nước trong năm 2015 và nhiệm kỳ 2016 – 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khái quát.

 

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan tập trung dứt điểm giải quyết các tồn tại lớn như vấn đề sổ đỏ, phấn đấu kết thúc việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015; giải quyết dứt điểm các khiếu nại tố cáo kéo dài; phát triển thị trường bất động sản về đất đai.

 

Khẳng định chất lượng của nền kinh tế quyết định chất lượng của chính sách tài chính, tiền tệ và ngược lại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác điều hành phải bám sát tăng trưởng nhưng đồng thời phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ tịch Quốc hội mong muốn việc tái cơ cấu nền kinh tế với chính sách tiền tệ tiếp tục có những bước tiến bộ rõ rệt hơn nữa trong 2015 phục vụ tốt hơn sự phát triển của nền kinh tế.

 

Quang Vũ

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích diễn biến nhiều năm qua cho thấy, tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường tăng trưởng gấp đôi so với đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN