Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc họp Đoàn giám sát về chính sách tài khóa, tiền tệ

Sáng 11/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” chủ trì buổi làm việc với Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, cho ý kiến về dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết giám sát.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của Tổ giúp việc và bộ phận thường trực Đoàn giám sát trong thời gian ngắn, với khối lượng công việc lớn đã hoàn thành tốt công việc đề ra, trong đó đã ưu tiên công tác khảo sát thực tế, làm việc với các bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chung, dự thảo báo cáo tóm tắt, dự thảo nghị quyết; rà soát, chỉnh sửa về bố cục, từ ngữ của dự thảo nghị quyết đảm bảo khoa học, chặt chẽ, ngắn gọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát để hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết. Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tổ chức họp để tiếp tục cho ý kiến với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, mạnh dạn đưa ra đề xuất về các giải pháp, thời hạn giải ngân, cơ chế, chính sách; bám sát nguyên tắc giám sát phải "dám" và "sát".

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, thời gian qua, Tổ giúp việc đã tập trung cao độ để hoàn thiện các nội dung công việc được giao; khẩn trương rà soát, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết. Trong đó, Tổ giúp việc đã bổ sung đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là những hạn chế trong thực hiện; tình hình thực hiện một số chính sách cụ thể; bổ sung đánh giá, nhận định đối với một số chính sách, tập trung nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; bổ sung đánh giá đầy đủ về việc thực hiện các chính sách thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15, các cơ chế đặc thù và một số chính sách khác về sử dụng Quỹ Viễn thông công ích; Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp…

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đoàn giám sát đã làm việc rất khoa học, trách nhiệm. Dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết đã nêu tương đối đầy đủ, toàn diện về kết quả giám sát.

Nghị quyết 43/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023, đến nay đã hết thời gian thực hiện hầu hết các chính sách. Một số chính sách kéo dài thời gian thực hiện đã được Quốc hội cho phép; một số chính sách được các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai thực hiện. Một số đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách được kéo dài thời gian thực hiện trong năm 2024 để bảo đảm đúng tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát về khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, dự án, đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách trong trường hợp cần thiết.

Phan Phương (TTXVN)
Chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Chính phủ đã điều hành, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ, vững vàng, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN