Bất cập trong vay vốn trồng tái canh cà phê

Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất trong cả nước những cũng có nhiều diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh, già cỗi, năng suất kém cần nhổ bỏ.

Công nhân Công ty Cà phê Thắng Lợi chăm sóc vườn cà phê tái canh. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Nhu cầu vốn để đầu tư trồng tái canh rất lớn. Thế nhưng, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk vẫn không “mặn mà” với nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước khiến tiến độ trồng tái canh cà phê ở tỉnh vẫn chậm nhiều so với tiến độ đề ra.

Theo phản ánh của người dân, hiện thủ tục vay vốn còn quá rườm rà như: Vốn vay cấp thành nhiều đợt, phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến đến từng công việc trong từng giai đoạn thực hiện trồng tái canh.

Ngoài ra, các nông hộ vay vốn còn phải có giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (từ 1 đến 2 năm trồng luân canh các loại cây ngắn ngày), cấm không trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê trồng tái canh và buộc các nông hộ phải thế chấp tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Trong khi đó, với mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha trồng tái canh và ghép là 80 triệu đồng tối đa/ha lại quá thấp so với mức đầu tư thực tế. Hiện thời hạn cho vay tối đa là 8 năm; trong đó, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm (đối với vay để trồng tái canh).

Còn vay để ghép cải tạo cũng thời gian cho vay tối đa là 4 năm; trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn. Các mốc thời gian này quá ngắn đối với loại cây công nghiệp dài ngày như cây cà phê… Nhiều hộ dân phàn nàn như vậy.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho rằng, việc trồng tái canh cà phê cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Diện tích đất sản xuất chủ yếu là của các hộ dân với hơn 85% diện tích cà phê do các nông hộ trực tiếp quản lý, sản xuất nhưng nhiều nơi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn.

Theo ông Thích, giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm.

Trong khi đó, nhiều nông hộ trồng cà phê, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu - vùng xa không có khả năng tài chính, hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn… Một số hộ dân ngại mất nguồn thu nhập nhập từ 5 đến 6 năm trước mắt, do vậy, họ buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh và chưa muốn phá bỏ để trồng tái canh…

Anh Y Hoắc Niê, xã vùng sâu Ea Kpam (huyện Cư M’gar) có 2 ha cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh mặc dù đầu tư khá lớn về phân bón, công chăm sóc nhưng năng suất mỗi niên vụ chỉ thu về chưa quá 1,2 tấn cà phê nhân/ha cần phá bỏ để trồng tái canh. Tuy nhiên, anh Y Hoắc Niê vẫn từ chối nguồn vốn ưu đãi để cải tạo vườn cà phê bởi "sợ" thủ tục, nhất là khi vốn chữ tiếng Kinh còn hạn chế.

Chị Nguyễn Thị Nhung, ở thị trấn Ea Ral (huyện Ea H’Leo) cho rằng, ngoài phức tạp trong thủ tục thì ngân hàng vẫn buộc người vay thế chấp “sổ đỏ”. Mà đã thế chấp “sổ đỏ” thì vay đâu chả được, thậm chí còn vay được với số tiền lớn hơn nhiều lần, lại được giải ngân một lần không phải lắt nhắt như gói vay ưu đãi… Do vậy, gia đình có 2 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp nhưng chị Nhung đành để chờ khi nào có tiền mới cải tạo, trồng tái canh dần dần.

Còn anh Nguyễn Văn Long, ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) thì không đồng tình việc không được trồng cây dài ngày trong vườn cà phê trồng tái canh. Thực tế, khu vực Tây Nguyên hay Đắk Lắk nói riêng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu nên khi trồng tái canh cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải trồng xen các loại cây ăn quả dài ngày như bơ, sầu riêng, hồ tiêu… để thích nghi, tạo điều kiện phát triển bền vững vườn cà phê.


Những bất cập này đã khiến trồng tái canh cà phê ở Đắk Lắk bị chậm. Theo kế hoạch, từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh trồng tái canh gần 28.000 ha  cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh năng suất kém.

Nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 12.637 ha; trong đó, phần lớn, các nông hộ sử dụng vốn tự có, vay mượn họ hàng, vay từ các nguồn khác để thực hiện trồng tái canh. Nguồn vay từ gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ tái canh cà phê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân đạt rất thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp vay.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, các bộ, ngành chức năng cần đơn giản hóa, cụ thể hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn; các dự án vay vốn mẫu, bảo đảm công khai, minh bạch; có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê.

Theo đó, ngoài việc ưu đãi hơn về cơ chế lãi suất thì nên có cơ chế khác như: tăng mức vay một lần lên đến trên 80% nhu cầu vốn; thời gian cho vay, thời gian ân hạn trả gốc, trả lãi đủ dài… để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nộng hộ sản xuất kinh doanh cà phê tham gia tích cực thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo để phát triển ngành cà phê bền vững.

Đắk Lắk hiện có trên 203.400 ha cà phê; trong đó, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch có trên 193.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.

Quang Huy (TTXVN)
Để trồng tái canh cà phê hiệu quả ở Tây Nguyên
Để trồng tái canh cà phê hiệu quả ở Tây Nguyên

Báo Tin Tức Cuối tuần số 16 đăng chuyên đề “Tái canh cà phê ở Tây Nguyên” phản ánh nội dung: Nhờ có nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều địa phương vùng Tây Nguyên đã triển khai việc tái canh cà phê rất thuận lợi. Các cán bộ quản lý, chuyên gia nông nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tái canh cây cà phê một cách hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN