Gỡ khó cho chính sách tái canh cà phê

Những ngày qua, khu vực Tây Nguyên đã có mưa trên diện rộng và lương mưa khá lớn. Đây là thời điểm thích hợp để đồng bào trồng mới cũng như chăm sóc diện tích cây công nghiệp bị thiệt hại trong đợt hạn hán kéo dài vừa qua.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chính sách tín dụng cho vay tái canh cà phê ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, nên các nông hộ không thiết tha với nguồn vốn vay này để đầu tư trồng tái canh cà phê.

Theo đề án, từ năm 2014 - 2020, cả nước trồng tái canh khoảng 120.000 ha cà phê, trong đó, trồng tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 3/2016, Ngân hàng mới giải ngân được 758,13 tỷ đồng, diện tích tái canh là 9.479 ha, với 5.932 khách hàng, gồm 9 tổ chức và 5.923 cá nhân được vay vốn trong tổng số gói vay cho tái canh cà phê là 12.000 tỷ đồng cho vùng Tây Nguyên. Trong đó, dư nợ cho vay thực hiện trồng tái canh chỉ có 213,3 tỷ đồng (9 tổ chức, 1.428 cá nhân, với diện tích trồng tái canh 2.297 ha), còn lại là dư nợ cho vay tái canh theo phương pháp ghép cải tạo.

Cây cà phê là cây xóa đói giảm nghèo của dồng bào.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là do trồng tái canh cà phê đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trên 150 triệu đồng/ha, trong khi tài sản trên đất của nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, gây khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp. Riêng đối với các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thì việc vay vốn không được giải ngân trọn gói một lần tổng số tiền được vay mà thời gian cho vay tái canh phải từ 3 - 5 năm qua các lần thẩm định nghiệm thu khác nhau.

Theo anh Y Minh Niê, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), cách làm này không thích hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vì bà con cần có một số tiền lớn để chủ động kế hoạch đầu tư lâu dài. Khi chia làm nhiều khoản, tổ chức nghiệm thu, giải ngân hàng năm qua nhiều khâu giấy tờ, rất phức tạp, nên đồng bào chọn giải pháp đi vay ngoài nhanh gọn hơn.

Nhưng để cây thực sự là cây xóa nghèo cũng cần có cơ chế dễ thở hơn.

Mặt khác, giá trị tài sản của nông dân được thẩm định cho vay thấp hơn giá thị trường và ngân hàng thương mại nên cũng không thu hút được các nông hộ vay vốn để đầu tư tái canh cà phê. Gia đình anh Hoàng Văn Long, ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) than thở, gia đình có 2 ha cà phê theo giá thị khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng khi thẩm định cho vay vốn chỉ được khoảng 50 triệu đồng, nên gia đình đành chấp nhận để vườn cà phê già cỗi thu đươc đến đâu hay đến đó…

Từ những bất cập trên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nâng mức cho vay tối đa tăng lên 200 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh (tăng 50 triệu đồng) và 100 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cho cà phê (tăng 20 triệu đồng so với mức cho vay trước đây), nâng thời hạn cho vay từ 8 lên 10 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 6 năm đối với phương pháp ghép cải tạo; Giải ngân trọn gói một lần trong toàn bộ thời gian vay theo phương án tái canh đã được phê duyệt, được vay tín chấp thông qua các tổ chức như hợp tác xã, Hội Nông dân. Xem xét hạ mức lãi suất vay xuống thấp hơn, thủ tục vay vốn cần đơn giản hơn...
Quang Huy
Tây Nguyên có nguy cơ mất trắng trên 115 ngàn ha cà phê
Tây Nguyên có nguy cơ mất trắng trên 115 ngàn ha cà phê

Tình hình khô hạn ở Tây Nguyên vẫn còn diễn biến khốc liệt dù đã có mưa dông rải rác. Chỉ riêng cây cà phê, các tỉnh Tây Nguyên đã có 115.065 ha có nguy cơ mất trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN