Giải pháp lâu dài để ngăn chặn khai thác hủy diệt hải sản

Thời gian gần đây, người dân Ninh Thuận vui mừng khi tỉnh đã có những con tàu to, máy lớn vươn khơi khai thác các loại hải sản có giá trị mang lại hiệu quả cao. Nhưng bên cạnh đó còn những nỗi lo bởi nhiều ngư dân vẫn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Khắc Lâm cho biết, việc khai thác thủy sản bằng chất nổ tại các hồ, đập, sông suối và trên biển đã xuất hiện từ lâu; việc sử dụng chất nổ khai thác trên địa bàn tỉnh không chỉ có người dân tại Ninh Thuận mà kể cả ngư dân thuộc các tàu cá của các tỉnh bạn như Phú Yên, Khánh Hòa.

Hành vi khai thác của các đối tượng này là lén lút sử dụng chất nổ kết hợp nghề vây lưới đánh bắt các đàn cá nổi. Bên cạnh đó vẫn có hàng trăm trường hợp là ngư dân nghèo có tàu thuyền nhỏ, công suất dưới 20 CV, chưa có điều kiện chuyển đổi nghề nên vẫn tiếp tục triển khai khai thác hải sản bằng lưới vây rút mùng (mắt lưới nhỏ).

Một tàu giã cào đang kéo lưới đánh bắt theo kiểu "tận diệt" thủy sản trên vùng biển tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, phương thức hoạt động của các đối tượng khai thác hải sản bằng chất nổ là rất tinh vi, khó phát hiện; trường hợp phát hiện đối tượng tình nghi, đơn vị cử người mật phục, bám sát đối tượng để bắt quả tang, nhưng khi sơ hở bị phát hiện là chúng kịp phi tang vật chứng xuống biển trong vòng vài giây.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, Đặng Văn Tín cho biết, gần 8 tháng qua, Chi cục đã kiểm tra hơn 540 lượt người và phương tiện hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện hơn 120 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính, ra quyết định phạt tiền với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Chi cục tịch thu tang vật vi phạm gồm 8 bộ xung điện, 8 vàng lưới, 4 kích điện, 4 bình ắc quy; thu hồi 46 giấy phép khai thác thủy sản của nghề vây rút mùng; đồng thời vận động chuyển đổi thành công 67 trường hợp khai thác gần bờ ra khai thác tại vùng khơi xa.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài để ngăn chặn nạn khai thác hải sản bằng cách tận diệt, các ngành, đơn vị chức năng đều có chung nhận định, trước hết là tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời có giải pháp quản lý chặt chẽ chất nổ, vật liệu nổ.

Cùng với đó, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung vào các hoạt động phòng chống tội pham: mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ...

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, để khắc phục tình trạng khai thác ven bờ, đẩy lùi tình trạng khai thác bằng xung điện, thuốc nổ và các nghề khai thác mang tính tận thu (mắt lưới quá dày, không đạt yêu cầu kỹ thuật khai thác), trong thời gian tới Chi cục cùng các địa phương tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi ngành, nghề khai thác, khai thác đúng ngành nghề đăng ký.

Tỉnh tiếp tục củng cố hoàn thiện các Tổ ngư dân đoàn kết sản, đồng thời mở rộng thêm Tổ đoàn kết sản xuất, vươn khơi khai thác xa bờ; giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ ngư trường, phòng chống thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam cho biết, việc chuyển đổi nghề khai thác thủy sản từ lưới mùng tại các vùng biển ven bờ ra khai thác tại vùng khơi xa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, do nhiều ngư dân còn nghèo chưa đủ điều kiện chuyển đổi nghề nên cần rà soát đánh giá, xác định thời gian lộ trình chuyển đổi nghề phù hợp.

Trước mắt các đơn vị chức năng cùng huyện Ninh hải cần tập trung triển khai làm điểm chuyển đổi nghề tại xã Thanh Hải, tìm giải pháp hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi nghề, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa bảo đảm ổn định cuộc sống dân sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, vấn đề Khai thác thủy sản bằng chất độc, chất nổ xung điện luôn được cử tri quan tâm, đề nghị tỉnh có biện pháp xử lý. Tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường tuyên truyền; kiểm tra cả trên bờ, dưới biển, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đặc biệt là ngành công thương phải tiến hành kiểm tra quản lý chặt chẽ nguồn thuốc nổ từ các kho, từ các đơn vị sử dụng; quyết không để thuốc nổ, vật liệu nổ rò rỉ ra bên ngoài.

Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng ngư dân tổ chức khai thác hải sản bằng lưới vây rút mùng (mắt lưới nhỏ) hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh (tuy có giảm nhưng so các năm trước); còn về khai thác thủy sản bằng chất nổ, mặc dù chưa được cơ quan chức năng đánh giá mức độ mức độ vi phạm, nhưng theo dư luận của người dân thì tình trạng khai thác hải sản bằng chất nổ đã đến thời báo động.

Đức Ánh (TTXVN)
Quảng Ninh: Sử dụng kích điện, lồng bát quái để đánh bắt thuỷ sản trái phép
Quảng Ninh: Sử dụng kích điện, lồng bát quái để đánh bắt thuỷ sản trái phép

Vào hồi 11 giờ ngày 15/8, tại khu vực cửa sông Ka Long, Tổ cảnh sát đường thủy, thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Trà Cổ bắt giữ 1 tàu vỏ gỗ biển kiểm soát QN - 0319TS, do Vũ Văn Tiến, sinh năm 1981, trú tại Phong Hải, thị xã Quảng Yên điều khiển đồng thời là chủ phương tiện đang có hành vi tàng trữ 1 bộ kích điện (gồm ắc quy, 20m dây điện, 15m2 lưới) dùng để khai thác thủy sản trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN