Chung tay hành động hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển

Tối 11/6, tại Phú Yên, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ mít tinh.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, kể từ năm 2009, sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức lựa chọn, ngày 8/6 hằng năm được toàn thế giới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới. 

Tuy nhiên, đại dương hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển.  Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.

“Vì vậy, “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” được lựa chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới 2022. Chủ đề này nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị các địa phương cần thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư. Các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

“Cần xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo; tăng cường sức chống chịu và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ đối tác với các đối tác, tổ chức quốc tế, tham gia tích cực và chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến biển và đại dương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh phát biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và hải đảo; tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển phải lấy kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kinh tế địa phương sau đại dịch COVID-19; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt ngành kinh tế biển chủ đạo

“Xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa trong mọi tình huống. Tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển, các nước có chung lợi ích trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực”, Trưởng ban kinh tế trung ương nhấn mạnh. 

Cùng với đó, theo ông Trần Tuấn Anh, cần hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển. Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Trọng tâm là Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế. Trọng tâm là tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch.

Đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, nhận thấy tiềm năng to lớn của kinh tế biển, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách quan trọng về phát triển bền vững kinh tế biển; khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế đại dương bền vững ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, Liên hợp quốc tự hào đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng về biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là quy hoạch không gian biển để xây dựng đại dương bền vững. Bà Caitlin Wiesen mong muốn quan hệ đối tác và hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam ngày càng phát triển; cùng nhau phát huy những nỗ lực, hợp tác quốc tế để xây dựng một tương lai hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh, Phú Yên luôn quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển như: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư triển khai các dự án, nhất là công nghiệp, du lịch. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh; công nghiệp ven biển từng bước phát triển, kinh tế hàng hải bước đầu hình thành… 

Để đạt được mục tiêu kinh tế biển là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các tổ chức quốc tế; các bộ, ban, ngành Trung ương, sự liên kết chặt chẽ của các địa phương ven biển, nhất là các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ...

Thu Trang/Báo Tin tức
Phát hiện, xử lý doanh nghiệp treo bản đồ vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Phát hiện, xử lý doanh nghiệp treo bản đồ vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam

Ngày 2/6, Tổ công tác Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện tại phòng làm việc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Baifar Hải Dương Việt Nam, địa chỉ tại Khu công nghiệp Nam Sách, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, có treo bản đồ thế giới vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN