'Chiến sĩ áo trắng' nơi biên cương - Bài cuối: Hết lòng vì người bệnh

Với những điều kiện sẵn có, 30 năm qua, đội ngũ nhân viên y tế huyện Tân Hưng, tỉnh Long An không ngừng nỗ lực, biến những khó khăn thành thuận lợi. Bằng sự tận tâm của người thầy thuốc, các bác sỹ luôn giữ vững niềm tin đối với nhân dân; qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi biên giới.

Chú thích ảnh
Năng lực chuyên môn và sự tận tâm, nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên Y tế huyện Tân Hưng là yếu tố tiên quyết tạo niềm tin yêu đối với nhân dân. 

Biến khó khăn thành thuận lợi

Chị Nguyễn Thị Vẹn (xã Hưng Điền B) đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã. Chị Vẹn chia sẻ, chị đi khám bệnh tăng huyết áp. Trạm Y tế có đầy đủ thuốc, bác sỹ tận tình chăm sóc bệnh nhân. Chị rất yên tâm khi đến đây khám, chữa bệnh.

Trạm Y tế xã Hưng Điền B - xã gần biên giới của huyện Tân Hưng luôn có lượng bệnh nhân đông nhất trong huyện, trung bình từ 70 - 150 lượt bệnh nhân/ngày. Trưởng Trạm, bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Tấn Phong cho biết, đội ngũ y tế nơi đây ngoài công tác dự phòng còn làm tất cả chương trình y tế quốc gia, khám bảo hiểm và các bệnh thông thường. Trạm được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, nhân lực được đào tạo thường xuyên. Hiện, đơn vị có 2 bác sỹ Chuyên khoa I, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sỹ, 1 y tá và 1 cán bộ dân số.

Quê ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, ra trường năm 1995, bác sỹ Nguyễn Tấn Phong xin về làm việc tại Trạm Y tế Hưng Điền B và được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm. Vượt qua mọi khó khăn, niềm vui của bác sỹ Phong là được phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Bác sỹ Phong chia sẻ, thuận lợi nhất của Trạm là được sự quan tâm của các cấp, sự đồng tâm hiệp lực của cán bộ, nhân viên trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Để tạo được lòng tin của người dân địa phương, đội ngũ y, bác sỹ của Trạm Y tế Hưng Điền B thường xuyên trau dồi, tự học hỏi chuyên môn, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, đặc biệt là điều trị những bệnh thông thường như: Chấn thương phần mềm, ho, xổ mũi, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, tiểu đường... Cùng với đó là sự tận tâm của các thầy thuốc đã khiến người dân tin tưởng lựa chọn là nơi khám, chữa bệnh ban đầu - bác sỹ Phong chia sẻ.

Điểm tựa chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biên

Chú thích ảnh
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng có đội ngũ bác sĩ đầu ngành cơ bản được đào tạo chính quy. 

Chị Nguyễn Thị Danh (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, 59 tuổi) đi chăm mẹ chồng 92 tuổi bị xuất huyết đại tràng. Chị Danh cho biết, trước đó gia đình đưa bà vào cấp cứu tại một bệnh viện tư ở tỉnh Đồng Tháp. Sau đó do điều kiện khó khăn, chị đã chuyển bà về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng. Ở đây, bà được bác sỹ thăm khám nhiệt tình và Bảo hiểm Y tế chi trả. Do đó, gia đình rất yên tâm.

Qua 30 năm phấn đấu và xây dựng, ngành Y tế huyện Tân Hưng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đơn vị luôn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm, công tác khám chữa bệnh ngày càng đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Công tác phòng bệnh được các cấp, ngành quan tâm; từ đó giảm được mô hình bệnh tật ở cộng đồng. Hiện, Trung tâm có 310 cán bộ, viên chức; trong đó có 68 bác sỹ. Tuyến xã có 12/12 Trạm y tế xã, thị trấn với 18 bác sỹ; trong đó có 9 bác sỹ Chuyên khoa I...

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng là bệnh viện hạng III với quy mô 240 giường bệnh, thực kê 320 giường; có 21 khoa, phòng chức năng; có 12 trạm y tế xã, thị trấn (trong đó có 11 trạm đạt chuẩn Quốc gia về Y tế và đầu tư trang thiết bị theo quy định). Đơn vị đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật như: Chụp CT scaner, siêu âm màu 3D/4D; nội soi dạ dày, đại tràng; chụp X-quang cao tầng; xét nghiệm sinh hóa, huyết học, điện giải... Qua đó, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giúp bệnh nhân thêm tin tưởng.

Năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 126.701 lượt; điều trị nội trú là 16.720 lượt; công suất sử dụng giường bệnh đạt 92%. Tổng số lượng khám, chữa bệnh tại Trạm y tế là 29.475 lượt. Trung tâm đã cải tiến quy trình đón tiếp người bệnh, hướng dẫn người dân lấy số khám tự động để đảm bảo công bằng và rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời thực hiện tốt quy chế giao tiếp với người bệnh.

Khó khăn nhất hiện nay của Trung tâm là nhiều trang bị đã hư hỏng nhưng chưa được thay thế, chưa có nguồn đầu tư. Một số trang thiết bị còn sử dụng được song lạc hậu về công nghệ, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Del, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó của tuyến trên để bệnh nhân hạn chế chuyển tuyến, giảm chi phí cho người dân. Để làm được điều này, Trung tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực kế thừa chất lượng cao. Cùng với đó, đơn vị đề xuất UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong giai đoạn mới.

Được sự quan tâm của tỉnh, đầu quý 2/2024, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng khởi công xây dựng thêm 1 cơ sở mới có tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng với quy mô 125 giường bệnh; giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bài và ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Xây dựng đường giao thông phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới
Xây dựng đường giao thông phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới

Ngày 3/3, Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ khởi công xây dựng đường giao thông phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới khu vực từ Mốc 632(2) đến Mốc 635, thuộc xã Cần Yên, huyện Hà Quảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN