Mùa nước lũ, đến Đồng Tháp nhấm nháp lẩu cua đồng, cá linh

Hiện trên các địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, nước lũ đã về và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Con nước về sớm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây sau bao năm "ngóng lũ", bởi lẽ, nguồn thuỷ sản chỉ có trong mùa nước nổi cũng đã xuất hiện.

Cá linh non được bán giá rất cao từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg.

Có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề đóng đáy (một loại ngư cụ đánh bắt cá linh), anh Hồ Văn Thiện, ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết, cá linh là một trong những đặc sản rất riêng của các vùng thượng nguồn mỗi mùa lũ về.

Vào đầu tháng 7, cá linh đã xuất hiện nhưng còn rất nhỏ, người dân cũng không khai thác. Vào thời điểm giữa và cuối tháng 7, cá bắt đầu phát triển, không khí đánh bắt và mua bán cá linh non của ngư dân ở nơi đây nhộn nhịp hẳn lên.

Anh Thiện nói thêm, cá linh từ thượng nguồn đổ về, chúng vừa đi vừa lớn, vừa sinh sản. Con nước càng dâng cao, cá linh sẽ càng nhiều. Cá linh cũng được chia làm nhiều loại như: linh rìa, linh ống, linh cám…


Theo một tiểu thương ở chợ thị xã Hồng Ngự, cá linh đầu mùa và là cá tự nhiên nên thịt ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Thời điểm hiện tại cá ít nên giá dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. 

Ngoài cá linh non đầu mùa, người dân làm nghề đặt lợp cua theo con nước cũng kiếm được nguồn thu nhập khá trong mùa nước nổi.

Anh Trương Thanh Việt, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết, mỗi ngày vợ chồng anh đặt khoảng 200 cái lợp, thu hoạch 30 - 40 kg cua. Với mức giá trung bình từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, bình quân 2 vợ chồng thu nhập cũng từ 600.000 - 800.000 đồng/ngày.

Đan lợp cua tại một hộ dân ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, cua đồng miền Tây thường có nhiều nhất từ khoảng tháng 7 đến tháng 11. Những năm nước ít, lượng cua khan hiếm và ngược lại, những năm lũ lớn lượng cua cũng theo đó dồi dào. Hiện do nước đổ về chưa nhiều và lượng nước chạy đồng còn thấp nên hầu hết người làm nghề này phải đi đặt lợp cua ở các cánh đồng giáp biên.

Một chủ vựa thu mua cua đồng ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết, do mới bắt đầu mùa lũ nên sản lượng cua ít, cua nhiều nhất là vào khoảng tháng 9, 10. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, vựa chỉ thu mua được từ 5 - 6 tấn cua đồng, giá cua vẫn ổn định; trong đó, giá càng cua đang ở mức từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm 2016.

Ông Trần Phước Lộc, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho biết, ngoài việc tẩy rửa đồng ruộng, mang lại lượng phù sa cho đất đai, lũ xuất hiện cũng là điều phù hợp với quy luật tự nhiên của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, cũng tạo được nguồn lợi thuỷ sản, công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người dân.

Ông Lộc cho biết, chỉ riêng tại thị xã Hồng Ngự, năm 2016, ước tính sản lượng đánh bắt tự nhiên chiếm 1/5 so với sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, tương đương gần 400 - 450 tấn/năm và chủ yếu tập trung vào mùa lũ.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhấn mạnh, để vừa đảm bảo sinh kế cho người dân vùng lũ, vừa bảo tồn được nguồn thuỷ sản trong tự nhiên, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân hướng đến việc khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; sử dụng phương tiện, phương thức và công cụ đánh bắt thuỷ sản nằm trong danh mục cho phép.

Đồng thời, có kế hoạch tuần tra, kiểm tra các phương tiện đánh bắt thủy sản nhằm hạn chế tình trạng sử dụng các loại ngư cụ trái phép, theo đó sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Bắt chuột đồng mùa nước nổi
Bắt chuột đồng mùa nước nổi

Đang còn ngáy ngủ, co ro trong chiếc mền dày, ông anh họ lay mạnh: "Dậy mau đi bắt chuột đồng". Như có lực thôi miên, tôi bật dậy tỉnh queo: "Sớm vậy huynh?". "Ờ, phải đi từ sáng sớm mới bắt được nhiều”. Sở dĩ ông anh tôi bảo thế vì sáng sớm, con nước lên cao, rắn, cúm núm, chuột đồng, cò... kéo nhau lên các gò cao trú ngụ. Đây là cơ hội ngàn vàng để đi săn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN