Dạy học phải gắn với thực tiễn

Theo đánh giá của dư luận và các nhà chuyên môn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012- 2013 có một số đổi mới đáng kể, nhất là nội dung ra đề thi môn xã hội mang đậm tính thời sự, gây được hứng thú làm bài cho thí sinh, tạo sự đồng tình trong dư luận xã hội.


Môn địa lý có câu yêu cầu thí sinh nêu ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo. Muốn trả lời tốt câu hỏi này, thí sinh cần biết thực tế thời gian qua, Trung Quốc đã và đang xâm phạm chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với những hành động phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận lên tiếng phản đối; đồng thời biết được việc tăng cường hợp tác và ứng xử của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp đối với các vấn đề trên, thì sẽ làm tốt câu này. Đây là câu hỏi rất thực tiễn, nếu thí sinh chỉ học tủ, học thuộc lòng thì khó trả lời được. Câu hỏi còn có ý nghĩa giáo dục trách nhiệm công dân đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.


Đề thi môn ngữ văn yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình đối với một câu chuyện có thật vừa xảy ra. Đó là tấm gương dũng cảm của một em học sinh THCS, đã hy sinh thân mình để cứu 5 người bạn đang bị đuối giữa dòng nước. Đây là dạng đề mở và nội dung của đề giúp các em diễn đạt có cảm xúc về một tấm gương, một hành động có thật vừa mới xảy ra với lòng cảm phục và sự lắng đọng sâu sắc. Nội dung đề thi còn là bài học giáo dục, giúp các em nhận thức về lối sống có trách nhiệm với những người xung quanh.


Những đề thi vừa qua cho thấy, thực tiễn cuộc sống có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển khả năng nhận thức và nhân cách học sinh. Biết được thực tiễn cuộc sống, trước mắt các em sẽ làm tốt các bài thi, bài kiểm tra có nội dung liên quan. Quan trọng hơn, bước đầu các em có sự quan tâm đến những vấn đề, sự kiện diễn ra trong thực tiễn xã hội, giúp các em có vốn sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là phương pháp giáo dục tốt để các em từng bước hình thành và phát triển nhân cách bền vững sau này.

 

Do đó công tác giáo dục trong nhà trường hiện nay cần phải có sự đổi mới theo hướng, gắn lý thuyết sách vở với thực tiễn cuộc sống, hướng học sinh biết quan tâm đến xã hội, để các em có những đồng cảm, chia sẻ và bày tỏ cảm xúc của mình. Việc học sinh tiếp thu tốt các kiến thức trong nhà trường thôi cũng chưa đủ mà phải giúp các em cập nhật thường xuyên những vấn đề đang diễn ra của cuộc sống hôm nay. Giáo viên phải là người đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp thông tin và định hướng thông tin khi đứng trên bục giảng để học sinh nắm bắt, chuyển hóa những thông tin trong xã hội thành nhận thức, tình cảm và hành động của mình.

Để làm được điều này đòi hỏi người giáo viên ngoài việc bồi dưỡng nâng cao năng lực soạn giảng, kỹ năng đứng lớp, cần phải thường xuyên nghe đài, xem tivi, đọc sách báo, hiểu rõ hoàn cảnh học sinh, gần gũi đời sống nhân dân để am hiểu, nắm bắt tình hình mới tích lũy được vốn kiến thức và một số sự kiện ngoài sách vở.


Lê Đôn

Dạy nghề phải gắn với tạo việc làm ổn định
Dạy nghề phải gắn với tạo việc làm ổn định

Sáng 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN