Hệ lụy từ việc chưa chú trọng dạy người

PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, đã trao đổi với Tin Tức về nguyên nhân gia tăng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên thời gian gần đây.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức.


Thiếu thốn về kinh tế hoặc sống trong gia đình “không hoàn thiện” có phải là nguyên nhân chính khiến nhiều thanh, thiếu niên có hành vi bạo lực nghiêm trọng không, thưa ông?

Theo tôi, câu nói “Bần cùng sinh đạo tặc” không hoàn toàn đúng trong thực tế hiện nay. Sự thiếu quan tâm của gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ mới là nguyên nhân chính trong việc gia tăng các hành vi bạo lực trong giới trẻ.

Trong một nghiên cứu về điều kiện khiến người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên 2.599 đối tượng vi phạm pháp luật (VPPL) hình sự được giáo dục tại 4 trung tâm giáo dưỡng của Bộ Công an ở các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai và Long An. Kết quả cho thấy, có tới 59,3% trong tổng số các em VPPL sống cùng với cả bố và mẹ (nhiều gia đình có kinh tế khá giả). Đối với các gia đình không hoàn thiện (đa số do bố mẹ ly hôn) thì số các em ở với mẹ chiếm 18,1%; ở với bố chiếm 5,5%; ở với ông bà (nội, ngoại), họ hàng chiếm 12,2%; số các em phải sống một mình là 2,2%; số trẻ vô gia cư và phải sống trong hoàn cảnh lang thang nay đây mai đó chiếm tỷ lệ 1,2% và chỉ có 0,5% số em sống ở các trung tâm.

Từ đó có thể thấy, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc gia đình có cha mẹ ly dị không phải là nguyên nhân chính khiến trẻ VPPL, mà ngược lại nguyên nhân chính là: Một số gia đình có sự nuông chiều con thái quá; một số khác vì đam mê quyền lực, tiền bạc và sở thích cá nhân nên nhiều bậc phụ huynh đã “tiết kiệm” thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái không coi trọng việc quản lý giáo dục con cái, không quan tâm gì đến con cái, để chúng sống theo bản năng, buông thả từ nhỏ chiếm tỷ lệ 20%. Họ giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ con cho người giúp việc rồi sau đó quản lý con bằng tiền và điện thoại nên nhiều cháu bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình...

Chính vì không chịu sự quản lý hay bất cứ ràng buộc nào bởi thiết chế gia đình nên phần lớn số trẻ được nuông chiều thái quá khi ngoài 18 tuổi thường có lối sống buông thả, thích tụ tập ngồi quán cà phê hoặc chơi game thâu đêm suốt sáng. Mặt khác, vì “nhiễm” lối sống dùng tiền để quản lý người khác nên nhiều trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã coi người giúp việc là đối tượng để sai khiến, từ đó dần nảy sinh thói trịnh thượng, thích người khác phải phục vụ mình. Vậy nên, khi ra ngoài đời nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng thì dễ sinh ra mâu thuẫn. Đặc biệt, sau khi bị kẻ khác đánh lại thì những thanh, thiếu niên này tất yếu sẽ cay cú, tìm “hàng nóng” để trả thù theo như kịch bản đã xem trong phim bạo lực hoặc game online.

Như vậy, các phương tiện truyền thông, nhất là game online cũng là một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến hành vi phạm tội ở thanh, thiếu niên?

Đúng vậy, nghiên cứu nêu trên của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, trong số các hành VPPL hình sự của 2.599 trẻ chưa thành niên thì tỷ lệ trộm cắp chiếm đến 70%, tiếp đến là hành vi gây rối trật tự công cộng với 23,6%, đứng thứ ba là hành vi cố ý gây thương tích với 6,8%, cướp tài sản (2,5%), hiếp dâm (2,3%) và cướp giật/lừa đảo tài sản (2,7%). Đặc biệt, tới 70% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực, trong đó có 25% nghiện game nặng, tức là mỗi ngày nếu các cháu không được chơi game từ 1- 3 giờ thì không thể chịu được. 70% các em thường xuyên xem phim sex (nhất là các em ở lứa tuổi 12-16).

Ngoài ra, khi chúng tôi tiến hành phỏng vấn số đối tượng phạm tội phạm giết người và số đối tượng cố ý gây thương tích thì các em cho biết nhiều lúc trong cuộc sống các em vẫn có cảm giác hành xử, đánh nhau giống như nhân vật trong game, nghĩa là cũng thích đâm chém, bắn giết, sử dụng công cụ gây thương tích như trong thế giới ảo, dù đang sống ở đời thực. Như vậy, ảnh hưởng của phim bạo lực, game bạo lực đã tác động không nhỏ đến cảm xúc của người xem dẫn đến họ có những hành vi, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng.

Tuy vậy, theo tôi, người chịu trách nhiệm ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực từ game online nói riêng và tình trạng gia tăng hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên nói chung vẫn thuộc về các gia đình, sau đó mới là trách nhiệm giáo dục nhà trường và xã hội. Bởi nếu các bậc cha, mẹ thực sự quan tâm đến cuộc sống của con cái, thực sự đi sâu đi sát để hướng dẫn thì các cháu sẽ tránh được những bước đi sai lầm, tránh được những tội ác nghiêm trọng.

Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)
Giáo dục, đào tạo là trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh, sáng 29/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới thăm, tìm hiểu đời sống, sản xuất của cử tri xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN