TP Hồ Chí Minh cắt tỉa, đốn hạ cây xanh có nguy cơ gãy, đổ đề phòng mùa mưa

TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào mùa mưa, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người đi đường, các đơn vị quản lý cây xanh đã huy động nhân lực và phương tiện tiến hành tỉa cành, hạ độ cao và đốn hạ nhiều cây xanh dễ gãy, đổ.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, trong khoảng một tháng qua tại đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10) và đường Trần Hưng Đạo (Quận 5), Phạm Ngọc Thạch (Quận 3)… công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên cắt tỉa cành, hạ độ cao và đốn hạ những cây có dấu hiệu mục rễ nhằm đảo bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người đi đường khi thành phố bước vào mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có gần 150.000 cây xanh, chủ yếu ở các quận trung tâm và hầu hết có tuổi đời hàng chục năm.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Công nhân Công ty cây xanh TP Hồ Chí Minh cắt tỉa, thu gọn tán cây trên đường Nguyễn Trí Thanh (Quận 10).

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 150.000 cây xanh, chủ yếu ở các quận trung tâm và hầu hết có tuổi đời hàng chục năm. Không ít cây cổ thụ già cỗi, yếu mục cần được thay thế. Nhiều cây xanh đang chịu tác động lớn bởi quá trình phát triển đô thị, bị lấn chiếm, xâm hại, ảnh hưởng tới tuổi thọ và sự an toàn của cây.

Chú thích ảnh
Để có thể bứng gốc, di chuyển cây dễ dàng, trước hết những cây này phải được cắt tỉa gọn gàng. Một nhóm thợ chuyên nghiệp sẽ đảm nhiệm công việc này.
Chú thích ảnh
Làm việc giữa trời nắng nóng, các công nhân vẫn đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19.
Chú thích ảnh
Khúc gỗ được cột chặt vào một dây thừng để chuyển xuống đất.
Chú thích ảnh
Công nhân phía dưới kéo, giữ dây thừng để thả khúc cây từ từ xuống dưới đất.

Vào mùa mưa, nỗi lo mất an toàn cây xanh càng gia tăng. Để hạn chế cây gãy, đổ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người đi đường, các đơn vị quản lý cây xanh TP Hồ Chí Minh đã huy động tất cả nhân lực và phương tiện tăng cường rà soát cây xanh; tỉa cành, mé nhánh những cây lớn có nguy cơ mất an toàn; đốn hạ cây có dấu hiệu mục rỗng, chết khô.

Chú thích ảnh
Vừa mài máy cưa để đốn hạ cây xanh trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 5), anh Bùi Trần Thanh Minh chia sẻ, cây xanh được đốn hạ có đường kính khoảng gần 1m, cao khoảng 35m. Để có thể bứng gốc, trước tiên phải cắt tỉa gọn gàng, sau đó đào xung quanh gốc để cắt phần rễ. Tùy từng vị trí, khu vực, hạ tầng, chỗ nào thoáng thì có thể làm xong trong ngày, còn khu vực nào hẹp thì mất khoảng 3 ngày. 
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Công nhân dùng máy cưa cắt gọn những cành cây sau khi được đưa xuống đất để dễ vận chuyển.

Bà Huỳnh Thị Nga, Phó giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Vào những tháng đầu mùa mưa, chúng tôi đều có công văn gửi TP Thủ Đức và 21 quận, huyện để cảnh báo xử lý, rà soát những cây xanh có thể gãy, đổ. Đặc biệt, chúng tôi rất là quan tâm đến các khu vực tập trung đông người như trường học, bệnh viện, các đơn vị hành chính”.

Chú thích ảnh
Nhóm công nhân tiến hành đốn hạ cây xanh trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 5).

Theo bà Nga, từ đầu tháng 4 đến nay, hơn 1.200 cây xanh ở TP Hồ Chí Minh đã được kiểm tra, tỉa cành, hạ thấp độ cao cũng như đốn hạ và trồng thay thế với những cây bị hư hại, sâu mục, cong nghiêng, chết khô và già cỗi. Nhưng với diễn biến bất thường của thời tiết, việc kiểm tra an toàn cây xanh sẽ được thực hiện liên tục và thường xuyên trong suốt cả mùa mưa năm nay.

Tin, ảnh, clip: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Xã hội hóa nguồn lực để trồng 1 tỷ cây xanh
Xã hội hóa nguồn lực để trồng 1 tỷ cây xanh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh phải xã hội hóa nguồn lực để Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" trở thành ý thức tự nguyện của người dân và cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN