Phân làn phương tiện trên các tuyến phố tại Hà Nội: Chưa hợp lý giữa ô tô và xe máy

Hà Nội sau 1 tuần thí điểm phân làn phương tiện trên 4 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng đang bộc lộ một số bất cập cố hữu, khó tháo gỡ, trong bối cảnh giao thông trên các trục tuyến đường chính thường xuyên ùn tắc cục bộ vào giờ tan tầm. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại việc phân làn phương tiện lần này nếu không được duy trì thành nề nếp dễ gặp phải thất bại như ba lần trước đây. Hy vọng, bài học từ cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp của các cơ quan hữu quan sẽ giúp việc phân làn ở Hà Nội tránh được thất bại!

Chỉ ổn khi có lực lượng chức năng?

Những ngày đầu Hà Nội tổ chức thí điểm phân làn phương tiện tại 4 tuyến phố trên, do Sở GTVT Hà Nội bố trí lực lượng chốt trực tại các điểm dựng hệ thống báo hiệu phân làn đường, nên việc tuân thủ của người tham gia giao thông có vẻ thu được kết quả khả quan, đa số người điều khiển phương tiện đều có ý thức đi đúng làn đường theo chỉ dẫn, bên trái dành cho ô tô, bên phải dành cho mô tô, xe máy, xe đạp… Tuy nhiên, dường như việc tuân thủ này chỉ diễn ra mỗi khi người đi đường thấy xuất hiện bóng dáng lực lượng chức năng từ xa. Hễ không thấy hoặc đi qua nơi chốt trực của lực lượng chức năng là mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Xe máy và ô tô vẫn “vô tư” di chuyển cùng làn. Ảnh: Duy Truyền


Tại các ngã tư giao cắt từ các phố Thái Phiên, Lê Đại Hành, Đoàn Trần Nghiệp, Tô Hiến Thành, Trần Nhân Tông... rẽ trái ra trục tuyến Phố Huế - Hàng Bài, việc dựng các dải phân cách mềm quá ngắn (chỉ khoảng 10 m) ngay đầu các điểm giao cắt, cùng với lực lượng thanh tra giao thông chốt trực chỉ dẫn không thường xuyên tỏ ra không hiệu quả trên suốt trục tuyến này. Người tham gia giao thông chỉ đi đúng làn đường tại các điểm dựng dải phân cách mềm, còn sau khi đi qua lại tiếp tục lấn làn đường, mạnh ai nấy đi, lực lượng thanh tra khó có thể cắt cử người chạy theo chỉ dẫn. Chưa kể vào giờ tan tầm, việc lấn làn đường giữa các loại phương tiện còn phức tạp hơn, nhất là khi các phương tiện rẽ trái giao cắt với trục tuyến.

Suốt trục tuyến Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu hiện có khoảng 50 điểm giao cắt lớn, nhỏ, nên cứ tới gần vị trí giao cắt là xe máy và ô tô thường xuyên phải lưu thông trộn dòng. Ngoài ra, trên các trục tuyến này, làn lưu thông của xe buýt không ăn khớp với các điểm dừng, đỗ đón trả khách. Mỗi khi muốn đón, trả khách, xe buýt phải lưu thông sang làn đường xe máy để khớp nối với các điểm dừng, đỗ và lập tức gây ùn tắc. Chưa hết, những chiếc xe ô tô đỗ hai bên đường cũng gây khó khăn cho công tác phân luồng, tách làn phương tiện.

Việc chôn biển báo và đặt dải phân cách “đột ngột” ở các phố thí điểm tại Hà Nội rất thiếu khoa học, tạo ra “bẫy” gây tai nạn. Ít nhất, một cột phân làn trên đường Đại Cồ Việt, đoạn gần hầm đường bộ Kim Liên, đã được thay mới sau các vụ va chạm của phương tiện giao thông. Trong ảnh: Một cột treo biển chỉ dẫn bị xe va chạm trên Phố Huế (ảnh chụp chiều 28/9).


Theo phản ánh của lực lượng thanh tra chốt trực chỉ dẫn, vào giờ cao điểm, việc phân luồng và tách làn phương tiện rất khó khăn, nhất là đối với xe máy. Có những thời điểm, khi mật độ phương tiện gia tăng đột biến, lực lượng thanh tra phải phân luồng cho xe máy lưu thông sang làn đường ô tô để tránh ùn tắc cục bộ. Việc phân làn phương tiện “vướng” nhất là tại các nút giao thông giao cắt rẽ trái hòa vào trục tuyến, vì mỗi khi xe máy rẽ trái, lập tức xung đột với dòng ô tô rẽ phải hoặc chạy thẳng, gây ùn tắc giao thông. Hoặc khi lưu thông trên trục tuyến, ô tô muốn rẽ phải lưu thông vào ngã tư, vào ngõ buộc phải nhập vào làn xe máy, gây xung đột giao thông dẫn tới ùn tắc. Tương tự, xe máy muốn rẽ trái cũng buộc phải nhập vào làn ô tô.

Còn theo ghi nhận của phóng viên, rõ ràng việc các tuyến phố chọn phân làn phương tiện hiện nay có nhiều giao cắt, khoảng cách giữa các giao cắt lại ngắn là khó khăn, bất cập nhất cho công tác phân làn, vì các phương tiện có quá ít thời gian để tách nhập làn, điều này cũng là nguyên nhân chính được rút ra từ bài học của những lần phân làn trước. Bên cạnh đó, vì lòng đường hẹp, lượng xe máy đông, diện tích chiếm lòng đường của ô tô, nhất là xe buýt lớn, nếu ép xe máy vào làn hẹp thì sẽ gây “tác dụng phụ” - ùn tắc -vòng luẩn quẩn trong xử lý giao thông thủ đô hiện nay. Chính vì vậy, mặc dù không muốn, làn xe máy vẫn phải tràn sang làn đường của ô tô, nếu không sẽ tắc đường. Đó là chưa kể ở một số đoạn, bến xe buýt đỗ đúng vào chỗ dải phân cách cứng khiến chẳng còn chỗ nào cho xe máy. Cách phân làn như hiện nay dường như dành phần ưu tiên quá lớn cho ô tô.

Bài học kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh

Từ năm 2000 đến nay, Hà Nội đã thí điểm thực hiện 3 tuyến đường tách làn phương tiện là Kim Mã - Cầu Giấy, Thái Hà - Chùa Bộc, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, với hàng chục lần phát động, ra quân rầm rộ và tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng, nhưng đến nay tại 3 tuyến này phương tiện vẫn lưu thông hỗn hợp, trộn dòng. Các chuyên gia của Dự án phát triển nguồn nhân lực An toàn giao thông tại Hà Nội (TRAHUD) cho biết, các dự án tách làn phương tiện trên các tuyến đường trước đây được tài trợ triển khai trong thời gian ngắn, do đó hiệu quả không cao, trong khi ý thức tuân thủ giao thông của người dân chưa đi vào nề nếp, lực lượng chức năng đã rút lui, do đó vi phạm tái diễn cũng là dễ hiểu.

Việc phân làn phương tiện tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM đến thời điểm này đang tỏ ra hiệu quả, nhất là đối với các tuyến đường một chiều. Xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến chân cầu Sài Gòn thuộc quận 2-quận 9, cửa ngõ phía Đông TP.HCM) trước đây thường xảy ra những vụ tai nạn thương tâm giữa người đi xe gắn máy và xe tải, xe đầu kéo, gây ùn tắc nghiêm trọng trên toàn tuyến. Lưu lượng xe tải, xe đầu kéo lưu thông trên tuyến dày đặc là nỗi ám ảnh người đi đường. Trước thực tế đó, từ cuối năm 2010, ngành Giao thông TP.HCM đã lắp đặt giải phân cách cứng tách biệt làn xe ô tô và làn xe gắn máy. Việc phân làn giao thông này ngay lập tức mang lại hiệu quả. Tình trạng giao thông đi vào khuôn khổ và số vụ tai nạn giao thông giảm xuống. Tuyến đường Trường Chinh với 6 làn xe ô tô và 4 làn xe gắn máy, xe thô sơ cũng được tách biệt bằng các giải phân cách cứng. Tuy số lượng phương tiện đông, ùn tắc ở nút giao lộ, nhưng việc phân làn tách biệt đã mang lại trật tự trong lưu thông và giảm số vụ tai nạn giao thông do xe gắn máy gây ra.

Bên cạnh việc phân làn xe gắn máy và xe ô tô, trên nhiều tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm TP.HCM và những trục đường chính đều trở thành đường một chiều. Theo nhiều chuyên gia, cách làm này được xem là giải pháp cơ bản nhất trong điều kiện đường phố ở khu vực trung tâm khó có thể mở rộng thêm. Từ đầu những năm 2000, khi lượng xe gắn máy gia tăng mạnh, gây ùn tắc nghiêm trọng trên hầu hết các tuyến đường, TP.HCM đã bắt đầu đặt ra giải pháp làm thế nào để phân làn phương tiện trên các tuyến giao thông thành đường một chiều càng sớm càng tốt. Thực tế, những nỗ lực phân làn thành đường một chiều ở TP.HCM đã mang lại hiệu quả mong đợi. Các tuyến trung tâm quận 1, quận 3 như: Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... đều được phân làn một chiều, kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu phân bổ hợp lý, nên giao thông các tuyến đường này hiện nay rất ổn định, dù số lượng xe gắn máy và xe ô tô đã tăng gấp 3 lần so với trước, nhưng ùn tắc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không kéo dài nghiêm trọng.


Phân làn thành các tuyến đường một chiều là giải pháp tối ưu

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng cho biết: Việc phân làn phương tiện bằng giải phân cách cứng hiện đã làm cho giao thông ở một số tuyến đường quá tải xe cộ trên địa bàn TP.HCM trở nên quy củ hơn, an toàn cho người tham gia giao thông. Thời gian qua, TP.HCM đã phân làn chuyển thành các tuyến đường một chiều hiệu quả, cho thấy đây là giải pháp tối ưu trong bối cảnh đường không thể mở rộng, nhưng lưu lượng xe cộ ngày càng tăng. Các nút giao cắt, thắt nút cổ chai trên nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn. Tới đây, TP.HCM sẽ tiếp tục phân làn các tuyến đường nhằm phân luồng giao thông hợp lý hơn, đồng thời nghiên cứu để phân luồng một số tuyến đường cho xe buýt, nhằm thu hút người dân đi làm bằng phương tiện xe công cộng và từng bước hạn chế xe cá nhân.

Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Trung sỹ Nguyễn Mạnh Trung, chiến sỹ Đội CSGT số 4 chốt trực tại ngã tư Phố Huế - Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho biết, việc cắm biển báo phân làn ở đầu trục tuyến Phố Huế - Hàng Bài từ xa giúp tránh xảy ra ùn tắc giao thông ngay từ nút giao cắt Đại Cồ Việt rẽ trái vào Phố Huế. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, các phương tiện chen lấn hỗn loạn, kéo dài suốt trục tuyến rất khó kiểm soát, nhất là tới đây khi lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành xử phạt vi phạm. Muốn lần phân làn này thành công thì nhiệm vụ và công việc của các cơ quan chức năng phải giải quyết trong thời gian tới là không dễ dàng. Điều đó phụ thuộc chính vào các lực lượng làm nhiệm vụ phải quyết tâm, không buông xuôi giữa chừng, cũng như ý thức người tham gia giao thông cần được nâng cao hơn nữa, để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Vẫn lộn xộn

Thanh tra giao thông viên Nguyễn Hùng Lâm làm nhiệm vụ trên tuyến Trần Khát Chân - Phố Huế (Hà Nội) cho biết: Do trên một số đoạn, nhiều người tham gia giao thông không hề để ý đã cắm biển phân làn đường nên các phương tiện đi lấn sang làn đường của nhau, chủ yếu là xe gắn máy vẫn mặc nhiên đi sang làn đường dành cho ô tô. Chỉ những điểm nào có chốt của thanh tra hướng dẫn thì người dân tuân thủ, không có lại đi lấn đường. Tình trạng này diễn ra ở cả 4 tuyến thí điểm phân làn. Nhất là tại các nút giao cắt, do phương tiện phải xin đường để rẽ, nên việc phân làn đường trở nên mất tác dụng, giao thông vẫn lộn xộn. Hiện tại, lực lượng thanh tra giao thông chỉ thực hiện hướng dẫn, chỉ dẫn, khi người đi đường bắt đầu có thói quen mới tiến hành xử phạt các đối tượng đi sai làn đường.

Thói quen chỉ là chuyện nhỏ, sự hợp lý mới đáng bàn

Bạn Văn Lâm nhà ở phố Bà Triệu (Hà Nội) cho biết: Việc phân làn đường rạch ròi là cách làm văn minh, nên áp dụng càng sớm càng tốt. Bởi tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông khác nhau, nếu đi chung đường, luồn lách chen lấn không chỉ là hành vi thiếu văn minh mà còn là sự coi thường chính bản thân và người tham gia giao thông. Lại thêm một lần Hà Nội thăm dò phân làn đường theo cách linh hoạt, trước khi tiến hành các biện pháp mạnh tay, hiệu quả sẽ là niềm vui được nhân lên khi ùn tắc được giải quyết. Người Hà Nội chắc chắn ai cũng mong đường sá nói riêng và giao thông nói chung được gọn gàng sạch đẹp, được khoa học hiện đại, được tiện lợi văn minh. Tôi tin việc phân làn đường lần này sẽ thành công, khi thói quen là chuyện nhỏ, còn sự hợp lý mới là điều đáng bàn và việc ngành Giao thông “xắn tay” vào cuộc để giảm căng thẳng cho người dân cần được làm đồng bộ, lâu dài, thường xuyên.



Nguyễn Tiến - Sỹ Dũng

Tiếp tục phân làn giao thông tại Hà Nội: Đừng để “đầu voi đuôi chuột”
Tiếp tục phân làn giao thông tại Hà Nội: Đừng để “đầu voi đuôi chuột”

Nhằm giảm ùn tắc giao thông đang có chiều hướng gia tăng, từ 20/9/2011, Hà Nội tiếp tục thực hiện phân làn giao thông thí điểm trên 5 tuyến phố trong 3 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN