Tiếp tục phân làn giao thông tại Hà Nội: Đừng để “đầu voi đuôi chuột”

Nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT) đang có chiều hướng gia tăng, từ 20/9/2011, Hà Nội tiếp tục thực hiện phân làn giao thông thí điểm trên 5 tuyến phố trong 3 tháng. Từ năm 2003, Hà Nội bắt đầu phân làn phương tiện nút giao thông Kim Mã-Liễu Giai; 2006 tiếp tục phân làn tuyến đường Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân; năm 2009 thực hiện tại tuyến đường Giải Phóng. Tuy nhiên đến nay, trật tự giao thông trên các tuyến này vẫn lộn xộn, phần lớn các phương tiện tham gia giao thông vẫn vi phạm. Do đó, dù chỉ là giải pháp tình thế, việc tái phân làn cần quyết liệt để tạo ý thức cho người tham gia giao thông.

Gỡ rối

Đã 3 lần Hà Nội thí điểm phân làn phương tiện nhưng có thể nói đều thất bại và không ít người tỏ ra băn khoăn liệu lần phân làn này có vượt qua được những khó khăn từ thực tế giao thông thủ đô. Đến nay, tại các tuyến đã phân làn trước đây, tình trạng làn đường đã phân nhưng vẫn mạnh ai nấy đi không giảm và không thể quản lý. Biển báo phân làn đã được bố trí, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên chốt trực, nhưng xe thô sơ, xe gắn máy vẫn lẫn dòng xe ô tô, tạo nên sự hỗn loạn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Tại các điểm đầu, giữa, cuối hay các điểm giao cắt trên đường Kim Mã-Liễu Giai, Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, phương tiện giao thông lộn xộn, người đi đường dường như phớt lờ biển báo.

Thanh tra giao thông hướng dẫn người dân đi đúng làn đường trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài (ảnh chụp 16 giờ 30 phút ngày 21/9). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Giai đoạn đầu phân làn, người điều khiển ô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đều tuân thủ khá nghiêm, nhưng sau đó không ai tuân thủ nữa và tuyến phố phân làn bị chìm vào quên lãng. Vào giờ cao điểm tắc đường, trên các tuyến phân làn, ô tô dàn hàng 3, xe máy thì luồn lách chen lấn, xe đạp bị đánh bật lên vỉa hè... Việc phớt lờ quy định, ngang nhiên vi phạm của nhiều người đi đường, sự coi thường pháp luật của nhiều người điều khiển phương tiện, sẵn sàng tạt ngang, tạt ngửa, dừng đỗ vô tội vạ, cản trở phương tiện khác... là những nguyên nhân thách thức hiệu quả của việc phân làn.

Nhiều người dân tham gia giao thông, cũng như người dân sinh sống trên những tuyến phố phân làn đều phản ánh: Việc các tuyến đường đã được phân làn và sắp được tái phân làn do không có đường dành riêng cho xe buýt, trong khi loại hình vận tải công cộng này chưa khẳng định được hiệu quả trong giao thông công cộng, khi ra vào các điểm đón trả khách thường chèn ép phương tiện khác, không nhường đường, dẫn tới các xung đột giao thông... cũng đang là bất cập không nhỏ cản trở việc bố trí, phân làn giao thông.

Thêm vào đó, đã từ lâu, cơ sở hạ tầng dành cho giao thông tại Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu của công tác phân làn. Nguyên tắc trong tổ chức phân làn giao thông là phải căn cứ vào mật độ phương tiện, chủng loại phương tiện và kết cấu mặt đường, bề rộng mặt đường. Điển hình như đoạn đường từ khách sạn Daewoo tới Đại sứ quán Thụy Điển trên tuyến phân làn Kim Mã-Liễu Giai vướng quá nhiều ngã tư giao cắt, để đảm bảo cho dòng phương tiện lớn lưu thông, Hà Nội đã cho dòng phương tiện rẽ phải và như thế việc phân làn giao thông đã bị phá vỡ. Còn đối với tuyến đường Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, tuyến đường Giải Phóng do việc thi công hầm đường bộ Kim Liên nên đã không có điều kiện duy trì việc phân làn...

Từ ngày 20/9, Hà Nội tái phân làn 5 tuyến phố: Phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, Giải Phóng. Tuy nhiên, trong 2 ngày đầu thí điểm phân làn tại 2 tuyến Phố Huế-Hàng Bài và Bà Triệu, theo quan sát của phóng viên, vẫn còn không ít xe, trong đó có cả xe biển xanh đi sai làn, dừng đỗ dưới lòng đường vô tội vạ. Mặc dù lực lượng chuyên ngành chưa xử phạt trong những ngày đầu triển khai, chỉ tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, phân luồng từ xa cho các dòng phương tiện đi đúng phần đường, nhưng khi không có bóng dáng lực lượng kiểm tra, nhiều phương tiện lại phớt lờ, "vô tư" lấn đường. Trong khi đó, vẫn tồn tại tình trạng xe buýt tạt ngang, cua gấp để vào trạm đón khách, khi đến gần điểm dừng đỗ vẫn được phép ưu tiên đi vào làn của xe thô sơ, xe gắn máy. Tuyến phố Bà Triệu có nhiều đoạn đường hẹp, nên khu vực trước cửa Viện Mắt Trung ương không được phân làn và ô tô thường dàn hàng 3, hàng 4 hoặc vô tư dừng trên đường để đón trả khách, gây ùn tắc cục bộ... Tình trạng này khiến việc phân làn khó thu được hiệu quả như mong muốn... Thêm vào đó, 2 tuyến phố này có quá nhiều ngã tư, việc đặt dải phân cách, biển báo phân làn ngay gần khu vực các ngã tư sẽ gây khó khi các dòng phương tiện rẽ trái, rẽ phải giao cắt dòng phương tiện đang lưu thông trên làn đường bắt buộc...

Kiên quyết xử lý vi phạm

Nhằm giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố phương án phân làn 12 tuyến đường: Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai; Lê Văn Lương-Láng Hạ-Giảng Võ; Quang Trung (Hà Đông)-Trần Phú (Hà Đông)-Nguyễn Trãi; Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt-Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân tới Lê Duẩn); Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cầu Chui-qua cầu Chương Dương); Kim Mã (đoạn từ Voi Phục-bến xe Kim Mã); Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ-Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải-Đê 401; Phố Huế-Hàng Bài; Bà Triệu; Trần Phú (Điện Biên Phủ tới Lê Trực)-Tràng Thi trong năm nay. Tuy nhiên, UBND thành phố chỉ đồng ý phân làn 5 tuyến phố nêu trên trên cơ sở nghiên cứu khả năng, dòng phương tiện xung đột và hiệu quả phân làn theo đề xuất của các chuyên gia giao thông. Để giảm xung đột giao thông giữa các dòng phương tiện trên 5 tuyến phố nói trên, thì biện pháp tách từng loại phương tiện lưu thông theo làn đường riêng biệt là khả thi nhất. Việc phân làn giao thông còn góp phần giảm tai nạn và tăng khả năng thông xe trên tuyến phố đấu nối trực tiếp.

Mặc dù đã cắm biển, nhiều phương tiện vẫn vô tư lấn đường. (Ảnh chụp 16 giờ 30 phút ngày 21/9 tại đường Đại Cồ Việt). Ảnh: Lê Phú

Theo đó, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường tái phân làn lần này dựa trên các yếu tố: Tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; tuyến đường phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố phân luồng 1 chiều; có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng tối thiểu từ 10 m trở lên. Ngoài ra, các tuyến phố có khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300 m; có đầy đủ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm…); đồng thời tuyến đường đã và đang nghiên cứu tổ chức phân làn theo phương tiện trước đây cũng sẽ tiếp tục được phân làn.

Theo kế hoạch trên, các tuyến đường sẽ phân làm 2 làn: Làn dành cho ô tô, xe tải và làn dành cho xe máy, xe thô sơ. Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm bố trí sơn kẻ vạch, chữ và hình vẽ từng loại phương tiện trên mặt đường, lắp đặt biển báo giao thông hướng dẫn phương tiện tách làn và chuyển làn, thu hồi các giấy phép cấp cho các tổ chức, cá nhân đỗ xe dưới lòng đường. Sau 2 tuần triển khai hướng dẫn, phân luồng từ xa, lực lượng chuyên ngành sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt kiên quyết từ 1-1,4 triệu đồng đối với ô tô và từ 100.000 - 200.000 đồng đối với xe gắn máy. Để tạo thông thoáng trên các tuyến phố có phân làn. Sở GTVT sẽ không bố trí các điểm trông xe dưới lòng đường; rà soát các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên vỉa hè, tạo thuận lợi cho người đi bộ... Bên cạnh đó, theo kế hoạch, riêng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị gửi danh sách về nơi công tác để phối hợp xử lý. Danh sách người vi phạm công tác tại các cơ quan trực thuộc thành phố còn bị gửi thông báo về Sở Nội vụ để đánh giá thi đua hằng năm của từng cơ quan.

Tuy đã 3 lần Hà Nội thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện không mấy thành công, nhưng việc Hà Nội tái phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố từ ngày 20/9 vẫn được đa số người dân hưởng ứng, khích lệ "khó mấy cũng phải làm", vì mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Rõ ràng chỉ có sự kiên quyết, không nửa vời, không "đầu voi đuôi chuột", mới tạo được ý thức cho người tham gia giao thông và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Sẽ linh hoạt trong thí điểm phân làn giao thông

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Việc tái phân làn phương tiện lần này sẽ không thực hiện cứng nhắc, mà vận dụng linh hoạt, tức là tại các điểm giao cắt trên các tuyến đường thí điểm, các phương tiện có thể sử dụng làn đường của nhau. Nguyên tắc trong tổ chức phân làn giao thông là phải căn cứ vào mật độ phương tiện, chủng loại phương tiện và kết cấu mặt đường, bề rộng mặt đường. Do đó, rút kinh nghiệm từ 3 lần phân làn phương tiện trước đây, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn giao thông lần này chủ yếu tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông, ý thức của người dân tương đối cao. Việc phân làn đường linh hoạt này nhằm hạn chế ùn tắc trong giờ cao điểm, vì có thời điểm ô tô rất nhiều, có lúc xe máy lại quá đông. Nếu cứng nhắc trong việc phân làn thì khả năng thông xe sẽ rất khó khăn. Trong điều kiện đường phố thủ đô chật hẹp, việc phân làn đạt chuẩn là điều không dễ, nhưng cũng không thể làm khác hơn, bởi đường muốn phân làn tốt thì chiều dài giao cắt phải có cự ly nhất định, mới đủ điều kiện cho các phương tiện nhập tách làn.

Nòng cốt là lực lượng thực hiện cưỡng chế thường xuyên

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT Hà Nội) cho biết: Hiện nay ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, nên cái khó nhất để kế hoạch phân làn đường đạt hiệu quả cao là việc duy trì lực lượng cưỡng chế thường xuyên trên từng tuyến đường. Bên cạnh đó, do mật độ xe trên các tuyến đường ngày càng gia tăng, nhất là vào giờ cao điểm, nên việc phân làn thường xuyên là rất khó. Hơn nữa, đường phố Hà Nội không những nhiều nút giao thông, mà quá nhiều ngõ ngách ô tô, xe máy có thể ra vào được, nên việc ô tô tạt vào đường dành riêng cho xe gắn máy rất thường xuyên. Ngoài ra, các tuyến đường được chọn phân làn không có đường dành riêng cho xe buýt, đây cũng là bất cập cho kế hoạch này. Tuy nhiên, những bài học rút ra từ những lần phân làn đường trước đây, cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng của Hà Nội, hy vọng việc phân làn lần này sẽ thành công.

Phân làn giao thông là xu thế văn minh

Bác Trần Đức Bình, nhà ở phố Huế cho biết: Tuy đã 3 lần Hà Nội thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện không mấy thành công, nhưng việc Hà Nội sẽ thực hiện phân làn xe trên 5 tuyến phố từ ngày 20/9 vẫn được đa số người dân hưởng ứng vì phân làn giao thông là xu thế văn minh, rất cần sự đồng thuận của người dân và sự quyết tâm của lực lượng chức năng. Tuyến Phố Huế-Hàng Bài được lựa chọn thí điểm phân làn lần này là chính xác vì có ít nhà dân và ngõ ở 2 bên đường, sẽ hạn chế được việc tạt ngang tạt ngửa. Việc cần làm khác các lần trước là nên dùng dải phân cách cứng để phân làn đường, như vậy, chỉ cần 1 CSGT đứng ở đầu mỗi đoạn đường là đủ. Ngoài ra, ở những phố đủ rộng cho 3 làn xe cũng cần phân làn riêng cho xe buýt và taxi để tránh cản trở các phương tiện khác khi đón trả khách.


Nguyễn Tiến

Phân làn phương tiện trên các tuyến phố tại Hà Nội: Chưa hợp lý giữa ô tô và xe máy
Phân làn phương tiện trên các tuyến phố tại Hà Nội: Chưa hợp lý giữa ô tô và xe máy

Hà Nội sau 1 tuần thí điểm phân làn phương tiện trên 4 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng đang bộc lộ một số bất cập cố hữu, khó tháo gỡ, trong bối cảnh giao thông trên các trục tuyến đường chính thường xuyên ùn tắc cục bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN