Người truyền sử 'Vàng' ở Quảng Ngãi

Với mong muốn học sinh hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử quê hương Quảng Ngãi nói riêng, thầy giáo Trần Văn Vàng (Trường THCS Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã miệt mài, dày công nghiên cứu, biên soạn "sử địa phương" nhằm truyền lửa tình yêu quê hương đất nước cho học sinh.

Nhớ lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta, cho tròn gốc tích nước nhà Việt Nam ” , thầy Vàng, nay đã trên 50 tuổi, sức khỏe có hạn, ngoài thực hiện lịch lên lớp vẫn dành nhiều thời gian lên đường, dầm mưa, dãi nắng để sưu tầm, biên soạn và miệt mài viết giáo trình lịch sử quê hương Quảng Ngãi.

“Với lịch sử vẻ vang chung của dân tộc, học sinh cần biết về lịch sử của quê hương mình, nhưng tới tiết dạy lịch sử địa phương, giáo viên phải bỏ trống chương trình, vì không có bài giảng, không có tài liệu. Điều đó khiến tôi trăn trở rất nhiều và thôi thúc tôi đi tìm tài liệu nghiên cứu” - Thầy Vàng chia sẻ.

Thầy giáo Trần Văn Vàng miệt mài nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương. Ảnh: baoquangngai.vn


Năm 2008, lần đầu tiên ở huyện Mộ Đức diễn ra sự kiện hàng nghìn học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được học lịch sử địa phương theo chủ trương của Phòng giáo dục và đào tạo. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt dạy lịch sử địa phương, với giáo trình được biên soạn hết sức công phu. Và thầy giáo Trần Văn Vàng chính là người giữ vai trò quan trọng trong việc sưu tầm lịch sử quê hương Quảng Ngãi anh hùng, quê hương Mộ Đức kiên cường.

Với bao tâm huyết, thầy Vàng say sưa nghiên cứu, tỉ mỉ sắp xếp bố trí bài học lịch sử địa phương sao cho phù hợp với chương trình lịch sử chung. Học sinh lớp 6 được học về nền văn hóa Sa Huỳnh. Các em ở khối lớp 7 học về quá trình hình thành tỉnh Quảng Ngãi. Khối 8 học phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi. Khối 9 học bài học thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Ngãi và cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi.

Thầy Vàng lí giải: “Phải làm sao để cho học sinh hiểu được trong cùng một thời kỳ thì lịch sử của dân tộc diễn ra như thế nào, cùng lúc đó ở Quảng Ngãi diễn biến ra sao, có như vậy học sinh mới nắm được sâu sắc về bài học, nắm vững kiến thức và say mê học lịch sử hơn. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm góp sức xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc ở các em học sinh”.

Không quản ngại gian nan, thầy giáo Trần Văn Vàng đã bỏ công sức, tiền của một cách lặng thầm để đi tìm “cội nguồn” của quê hương, không chỉ vì trách nhiệm của người giáo viên mà cao hơn cả đó là tình yêu đối với học sinh, là niềm say mê nghiên cứu lịch sử.

“Thầy giáo Trần Văn Vàng như một cây đại thụ của trường, là một giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp, được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Từ khi những bài học lịch sử địa phương do thầy Vàng biên soạn được đưa vào giảng dạy, các em học sinh không còn chán môn sử nữa mà học tập rất hăng say, vì nó lôi cuốn và sát với thực tế hơn” - Thầy Trịnh Minh Tường, Hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh cho biết.

Nội dung bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa” của thầy giáo Trần Văn Vàng như một lời khẳng định đanh thép của Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau hơn một năm tìm tòi rất nhiều tài liệu, ngoài việc sưu tầm các tài liệu trên sách báo, qua các nhà nghiên cứu, thầy còn vượt biển, tìm đến quê hương của Hải đội Hùng Binh Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn để tìm hiểu, chắt lọc, biên soạn và truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Bài giảng này gồm 3 nội dung: Thứ nhất, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, nhân dân Việt Nam xác định chủ quyền từ thời nhà Nguyễn cho đến bây giờ. Thứ 2 là đưa ra những tư liệu chứng minh nhân dân Quảng Ngãi mà trực tiếp là nhân dân huyện đảo Lý Sơn và một số huyện ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi đã hiến dâng máu thịt của mình trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng chứng là Hải đội Hoàng Sa được thành lập qua các sắc chỉ của vua triều Nguyễn, hiện nay được lưu giữ tại các tộc họ trên đảo Lý Sơn và qua Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như nhiều giá trị vật thể, phi vật thể khác. Thứ 3 là đề cập đến cuộc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1974 giữa lúc nhân dân 2 miền Nam và Bắc Việt Nam đang thực hiện công cuộc thống nhất đất nước.

Cứ mỗi lần lên lớp, đứng trên bục giảng là mỗi lần thầy giáo Vàng lại say sưa vào trang sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là bài giảng về chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Rồi không ít lần, thầy đã không cầm được nước mắt trong lúc giảng bài về Chủ tịch Hồ chí Minh kính yêu, về sự mất mát, đau thương bởi chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông vì mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Thầy Vàng khẳng định, môn lịch sử hay lắm, biết sử mới biết người, mà có nhập tâm thì bài giảng mới hay, đặc biệt là giáo viên dạy sử phải có cái tâm với nghề, phải truyền được cái thần của bài học cho học sinh nắm bắt.

Qua bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa”, các em học sinh hiểu hơn về lịch sử của cha ông ta từ hàng trăm năm trước vận mệnh triều đình nhà Nguyễn, bất chấp hiểm nguy ra Hoàng Sa khai thác sản vật, cắm mốc biên cương, mở mang bờ cõi, sự kiên cường của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho gia đình, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Thầy giáo Vàng không chỉ gần gũi, tận tụy với học sinh, là người “trọng tài” công bằng trong các giờ học mà thầy còn là người “truyền lửa” mạnh mẽ về tình yêu quê hương đất nước cho chúng em. Qua những bài giảng về lịch sử địa phương, đặc biệt là bài giảng về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, chúng em càng hiểu sâu sắc hơn về lịch sử quê hương, càng yêu và tự hào về một dân tộc anh hùng, ý thức được trách nhiệm vô cùng to lớn của mình trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc." - em Nguyễn Thị Vy Thương, học sinh lớp 9B3 trường THCS Đức Chánh tâm sự.

Năm học 2012-2013, Quảng Ngãi triển khai dạy lịch sử địa phương cho học sinh trên toàn tỉnh, trong đó bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” được quan tâm đặc biệt.

Ông Trần Hữu Tháp, Phó Bí thư Đảng Ủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch thường trực Hội Đồng biên Soạn Bộ giáo trình lịch sử địa phương Quảng Ngãi đánh giá: “Thầy Vàng đã có sự nghiên cứu, sưu tầm, đầu tư rất công phu, một sự tìm tòi sáng tạo trong quá trình biên soạn lịch sử. Đặc biệt trong bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” thầy Vàng đã cung cấp những cứ liệu, tư liệu, nội dung có giá trị rất lớn, mang tính khoa học cao, lập luận chặt chẽ, bằng chứng xác thực để chứng minh, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Bài giảng này không chỉ có giá trị đối với học sinh mà còn là nguồn tài liệu quý đối với những người đang sinh sống ở quê hương Quảng Ngãi anh hùng”

Gần như trọn cả cuộc đời, thầy giáo Trần Văn Vàng đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cống hiến cho công cuộc tìm lịch sử quê hương Quảng Ngãi. Những bài học ý nghĩa về truyền thống anh hùng trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đã cho thấy tấm lòng cao quý của một người thầy giáo lúc nào cũng vì sự nghiệp chung của dân tộc. Tấm lòng ấy quý như chính tên gọi của ông – Thầy giáo Vàng - Người truyền sử “Vàng” ở Quảng Ngãi.


Trần Thị Minh Phượng
Thầy giáo Prung Xuy “cứu” con chữ dân tộc Pa Kôh
Thầy giáo Prung Xuy “cứu” con chữ dân tộc Pa Kôh

Giữa lúc bộ chữ viết truyền thống của tộc người Pa Kôh đã gần như bị thất truyền và mai một hoàn toàn. Vẫn còn đó một người tâm huyết với con chữa dân tộc, lặn lội suốt 20 năm qua để “cứu sống” lại những con chữ ấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN