Tuy nhiên, bất chấp những gì mà 50 người còn sống kể lại, một số người vẫn không tin MacGregor là kẻ có tội. James Hastie, một người có hai con chết vì dịch bệnh trong chuyến đi đến Poyais, còn viết sách để buộc tội nhiều người làm trong chiến dịch quảng cáo cho Poyais. Ông cho rằng chính đội ngũ này đã tuyên truyền thông tin sai sự thật, chứ không phải MacGregor. Một nhóm người sống sót trở về thậm chí đã ký một tuyên bố trong đó nói rằng nếu MacGregor đi cùng họ thì mọi chuyện đã khác. Một người còn kiện báo chí tội bôi nhọ MacGregor và bảo vệ anh ta trước các cáo buộc lừa đảo.
Tranh biếm họa về âm mưu lừa đảo của MacGregor. |
Trong lúc dư luận còn đang rối mù, MacGregor đã rời đến Pari (Pháp) để lên kế hoạch lặp lại âm mưu Poyais. Anh ta ký hợp đồng quảng bá về Poyais với một công ty thương mại tên là Nouvelle Neustrie.
Tháng 3/1825, MacGregor đã mời Gustavus Butler Hippisley, một người quen trong quân đội ở Luân Đôn, đến Pháp để bàn chuyện chỉ định người này làm đại diện cho Poyais ở Côlômbia.
MacGregor nói với Hippisley rằng anh ta đã gặp Thủ tướng Pháp Jean-Baptiste de Villele, rằng anh ta cần sự giúp đỡ của chính phủ Pháp để Tây Ban Nha buộc phải từ bỏ quyền đối với vùng đất Poyais vốn không hề tồn tại trên thực tế.
MacGregor và tổ chức Nouvelle Noustrie đã lên sẵn kế hoạch đưa người di cư Pháp đến Poyais. Tháng 8/1823, MacGregor đã “vẽ” ra hiến pháp mới của Poyais và đổi từ chế độ quân chủ sang cộng hòa, trong đó anh ta tự xưng là tổng thống.
Trong lúc đó, Nouvelle Noustrie đã tuyển người có nhu cầu định cư tại Poyais với điều kiện họ mua cổ phiếu của công ty trị giá 100 franc Pháp. Khi chính quyền Pháp nhận thấy số người xin hộ chiếu đi đến một quốc gia mà họ chưa từng biết tới, họ đã bắt giữ con tàu của Nouvelle Neustrie tại Le Havre. Một số người đi định cư bắt đầu nhận ra điều gì đó không ổn. Họ đòi điều tra về Nouvelle Neustrie và MacGregor. Hippisley bị bắt trong khi MacGregor biến mất tăm.
Thư ký của Hippisley và MacGregor, Thomas Irving, bị giam ở nhà tù La Force trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra. Lehuby, một trong những giám đốc của Nouvelle Neustrie, đã trốn tới Bỉ. MacGregor tiếp tục lẩn trốn cho đến khi bị tóm vào ngày 7/12/1823.
Phiên tòa xét xử bắt đầu vào ngày 6/4/1826, trong đó MacGregor, Hippisley, Irving và Lehuby bị buộc tội lừa đảo thông qua chương trình di cư tới Poyais. Luật sư của họ đổ mọi tội lỗi cho Lehuby – người lúc đó không có mặt tại Pháp. Công tố viên tuyên bố sẵn sàng rút lại lời cáo buộc nếu ba người này bị trục xuất khỏi Pháp. Lúc đầu, tòa chấp thuận, tuy nhiên sau đó lại thay đổi khi Bỉ đồng ý dẫn độ Lehuby.
Phiên tòa mới diễn ra ngày 10/7/1826 và kéo dài 4 ngày. Luật sư của MacGregor đổ toàn bộ tội cho những người khác và kết quả là MacGregor trắng án, Hippisley và Irving được thả còn Lehuby bị kết án tù 13 tháng vì “hứa hão”.
Trong năm đó, MacGregor quay về Luân Đôn, khi mà sự giận dữ của công chúng đã không còn. Ngay sau khi đến Luân Đôn, y lại tiến hành các âm mưu lừa đảo mới. Lần này, y tuyên bố rằng những người bản địa Poyais đã bầu y làm tổng thống. Y cho mở một văn phòng ở số 23 phố Threadneedle. Y phát hành trái phiếu 20 năm trị giá 800.000 bảng Anh thông qua công ty môi giới Thomas Jenkins vào hè năm 1827.
Tuy nhiên, nhà đầu tư giờ cẩn trọng hơn. Có người còn phát tờ rơi cảnh báo về trò bịp Poyais. Trong vụ này, MacGregor thu được chẳng đáng là bao.
Các vụ về sau cũng chịu chung số phận. Năm 1828, MacGregor rao bán đất ở Poyais với giá 5 shiling/mẫu. Nhưng năm 1830, Robert Charles Frederic, em trai và là người kế nhiệm George Frederic, bắt đầu rao bán vùng đất này cho các công ty gỗ. Một số kẻ cơ hội khác nhân dịp này té nước theo mưa và cũng mở văn phòng Poyais để bán đất.
Dần dần, số tiền MacGregor kiếm được cũng bốc hơi cùng với những chiến dịch tuyên truyền về Poyais. Đến năm 1837, MacGregor không còn hứng thú gì với Poyais nữa.
Khi người vợ chung thủy qua đời ở Xcốtlen năm 1838, MacGregor trở thành kẻ cô độc và bị phá sản. Năm 1839, y lặng lẽ rời Xcốtlen đến Vênêxuêla, nơi còn ghi dấu nhiều chiến tích anh hùng của y khi còn chỉ huy quân đội nước này đánh lại người Tây Ban Nha. Tại nơi đây, ít nhất y được đối xử như một anh hùng thời chiến trở lại vùng đất xưa và sống bằng đồng lương hưu cho đến lúc chết vào ngày 4/12/1845.
Ngày nay ở Caracát vẫn còn một lăng mộ ghi tên MacGregor. Được tưởng nhớ ở Vênêxuêla với tư cách là người anh hùng đấu tranh vì độc lập, nhưng tại quê nhà, cái tên của y bị ghét bỏ. Âm mưu lừa đảo của y đã cướp đi không chỉ niềm tin mà còn mạng sống của rất nhiều người.
Thùy Dương (tổng hợp)