Huyền thoại Colditz là một câu chuyện kể đầy cảm động về cuộc sống bên trong một nhà tù nổi tiếng của phát xít Đức. Câu chuyện về Colditz đã kích thích trí tưởng tượng của nhiều độc giả trong suốt nhiều thập kỷ.
Toàn bộ câu chuyện toát lên lòng dũng cảm, danh dự, tình yêu và khát vọng tự do của những người lính quân Đồng minh. Nhà tù này từng được coi là pháo đài “nội bất xuất”, thậm chí đến một con kiến cũng không thể chui lọt; nhưng các tù binh chiến tranh đã chứng minh điều ngược lại, cho dù phần lớn trong số họ đều bị bắt trở lại nhà tù.
Kỳ 3: Cuộc vượt ngục đầu tiên thành công
Alain Le Ray trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù Colditz. |
Alain Le Ray là tù binh chiến tranh đầu tiên đào tẩu thành công khỏi nhà tù Colditz trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự có mặt của anh ở nhà tù Colditz đã dẫn đến sự ra đời của một ủy ban đào tẩu quốc tế để đảm bảo rằng các kế hoạch vượt ngục sẽ không mâu thuẫn với nhau như một số lần trước đây. Kế hoạch vượt ngục táo bạo mà một mình Le Ray tiến hành đã thổi bùng lên khát vọng tự do trong hàng trăm người tù khác đang bị giam giữ trong nhà tù này, nhất là khi họ biết được tin rằng anh đã vượt qua gần 500 km để đến được Thụy Sĩ và trở về Pháp an toàn.
Bất chấp thất bại trong lần đào tẩu đầu tiên, Alain Le Ray vẫn quyết tâm tìm đường trở lại nước Pháp. Anh cùng với một nhóm tù nhân Pháp đào một đường hầm. Họ khoét đất ra, chuyển lên trên mặt đất và rải khắp các bãi đất xung quanh nhà tù. "Đêm này qua đêm khác", Le Ray nói, "tôi làm việc theo ca cùng với nhóm đào đường ngầm. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia công việc này. Nó giúp tôi tăng cường tinh thần đoàn kết với những người bạn tù khác.
Nhưng đây quả là một công việc vất vả và dễ khiến những người tham gia cảm thấy chán nản bởi tiến độ công việc diễn ra khá chậm chạp. Và hơn hết, nhiều người còn lo lắng, việc làm này của chúng tôi sẽ bị phát hiện? Nhiều lúc, tôi nghĩ công việc đào đường hầm không phù hợp với mình và tôi bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn. Cái mà tôi muốn là một cách thức nào khác nhanh hơn và tôi có thể làm một mình, chứ không cần đến sự trợ giúp của những người khác. Từ đó, tôi luôn để ý bất kỳ cơ hội nào có thể bỏ trốn được".
Các tù nhân trong nhà tù Colditz thỉnh thoảng cũng được phép tập thể dục trên một bãi đất trống không bị bao bọc bởi những hàng rào dây thép gai ở dưới chân các bức tường của tòa lâu đài. Những người tù chỉ được thông báo việc tập thể dục trước đó không lâu cho nên rất khó để có thể chuẩn bị bất kỳ kế hoạch đào tẩu nào và dù sao đi nữa, việc bỏ trốn giữa ban ngày là việc hầu như không thể làm được.
Tuy vậy, quá trình đi bộ trên con đường mòn uốn khúc từ lâu đài xuống phía dưới phải mất một giờ đồng hồ và đây là cơ hội đào tẩu mà Le Ray đã nắm được. Con đường này luôn được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của những tên lính canh đứng trên các bờ tường. Các tù nhân bị điểm danh ngay lập tức trước khi họ rời sân nhà tù, đến khi họ đến bãi đất, rồi trước khi họ rời bãi đất và cuối cùng khi vào đến bên trong sân nhà tù. Vì vậy, Le Ray đã tính đến biện pháp để chuông báo động không rung lên trước khi anh đã cao chạy xa bay khỏi lâu đài.
Trên đường trở về từ bãi tập thể dục, Le Ray đã phát hiện thấy một ngôi nhà đổ nát nằm ở một khúc quanh của con đường. Như một vận động viên điền kinh cừ khôi, anh tận dụng bất kỳ cơ hội nào để luyện tập thể lực và vào ngày thứ sáu Tuần Thánh (ngày tưởng niệm chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thánh giá) năm 1941, kế hoạch vượt ngục của anh được khởi động. Khoác lên người bộ quần áo dân thường được may bí mật trong thời gian ở trong tù và bộ quần áo tù nhân bên ngoài, Le Ray đi ngược lên ngọn đồi cùng với Tournon và một tù binh khác người Pháp - Pierre Lebrun - cả hai người này đều biết được kế hoạch của anh.
Các tù nhân thỉnh thoảng được tập thể dục và chơi thể thao ở một bãi đất trống. |
Trong một khoảnh khắc kéo dài chỉ 5 giây, khi tên lính canh phía sau, cách anh khoảng gần một chục mét, bị khuất tầm nhìn, Le Ray đã vụt biến mất qua cánh cửa để trống của căn nhà đổ nát và chui tọt xuống căn hầm của căn nhà này. Tournon và Lebrun lặng lẽ ra hiệu cho những người xung quanh tiếp tục hành động như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi vào đến sân trong nhà tù, hai người này liền giả vờ cãi nhau kịch liệt và dẫn đến một cuộc ẩu đả. Sự việc này đã làm bọn lính gác làm nhiệm vụ điểm danh bị sao lãng, không phát hiện ra sự vắng mặt của Le Ray.
Chẳng bao lâu sau khi bước chân của những người bạn tù khuất xa dần thì Le Ray nghe thấy tiếng những bước chân khác trên con đường mòn. Một nhóm lính gác đang xuống sân để đá bóng. Anh chờ cho đến tận xẩm tối cho tới khi bọn chúng quay trở lại rồi bí mật lần theo lối mòn xuống dưới và trèo qua tường rào chỗ nối với tường của tòa lâu đài. Vụ vượt ngục thành công với một phương thức cực kỳ đơn giản của anh đã gây ra một sự ngạc nhiên trong số những người tù. Sau này, nhiều tù nhân chiến tranh đã cố gắng bắt chước phương thức vượt ngục như anh đã từng làm nhưng đều thất bại.
Đường hầm mà Alain Le Ray tham gia đào cùng với một nhóm tù nhân Pháp. |
Với vốn tiếng Đức chỉ đủ để giao tiếp, một ít tiền mà anh đã đổi của những tên lính gác bằng sôcôla, thuốc lá, và cả là sự tự tin đến lạnh lùng, anh mua vé tàu đi Nuremburg. Nhưng trong hành trình tẩu thoát, Le Ray phát hiện ra rằng một vài đồng mác Đức của anh đã quá cũ và không còn giá trị, vì thế khi đến thành phố vào buổi tối, anh đã buộc phải "hạ đo ván" một dân thường để lấy áo khoác và ví tiền của người này.
Anh tiếp tục bắt một chuyến tàu khác đi Schaffhausen, ngay sát với biên giới với Thụy Sĩ. Biết rằng lúc này việc trốn trại của mình đã bị phát hiện và tất cả lính biên phòng đều giương cao tinh thần cảnh giác, nên anh đã chọn con đường vòng xuyên qua cánh rừng dẫn đến làng Gottmadingen và nấp trong các bụi rậm phía sau nhà ga đến tận lúc chuyến tàu cuối cùng vượt biên giới vào ga lúc 11 giờ đêm.
Anh bò vào tận cuối sân ga và quan sát trong khi con tàu bị lục soát. Sau đó, ngay khi bọn lính canh thổi còi báo hiệu cho tàu chuyển bánh, anh liền nhảy lên phía trước đầu máy và nép mình vào khe giữa của các ngọn đèn. Bởi lúc đó là ban đêm và Le Ray tính toán rằng, ánh sáng của những ngọn đèn pha ở đầu tàu sẽ đảm bảo rằng không ai có thể phát hiện ra anh. Năm phút sau đó, anh đã có mặt trên đất Thụy Sĩ trung lập. Khi con tàu vượt qua biên giới, Le Ray cảm thấy "điên lên vì sung sướng và tự hào". Le Ray là người tù đầu tiên đào tẩu thành công khỏi nhà tù Colditz.
Đình Vũ (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 4: Cuộc đào tẩu từ căng tin