06:20 21/06/2021

Yếu tố giúp Trung Quốc ‘về đích’ tiêm ngừa COVID-19 sau khởi đầu chậm

Khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa ngừa COVID-19 chính thức được triển khai ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào cuối tháng 4 vừa qua, Li Tingting - một phụ nữ nội trợ, không mấy quan tâm đến việc đăng ký tiêm.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Thẩm Dương không ghi nhận ca lây nhiễm nội địa nào trong nhiều tháng, còn Li chỉ rời khỏi nhà khi đi mua đồ thực phẩm ở một khu chợ dân sinh, một hoạt động cô cho là thuộc diện nguy cơ thấp và chỉ cần đeo khẩu trang là đủ. Nhưng Li đã thay đổi quan điểm vào tuần trước, khi xuất hiện ba công dân nhiễm COVID-19 ở Thẩm Dương. Những người khác cũng có cảm nhận tương tự. Li đến trung tâm tiêm chủng ba lần đề được tiêm ngừa, nhưng vẫn chưa đến lượt vì quá đông. 

“Lần nào tôi cũng tới trước 10 giờ sáng, nhưng lúc nào cũng có ít nhất 500 người đã đến trước. Một vài cụ bà đến xếp hàng từ 5 giờ sáng. Không có đủ vaccine cho tất cả mọi người”, Li chia sẻ. Tình cảnh trên cũng xuất hiện ở khắp Trung Quốc, khi người dân vượt qua những e ngại ban đầu và xếp hàng tiêm vaccine. Nhiều người thậm chí còn chạy đến các thành phố lân cận để được tiêm. 

Bùng nổ quan tâm của công chúng đối với vaccine là một lý do giúp Trung Quốc đạt mức tỉ lệ tiêm chủng cao, nhân tố cần thiết để mở cửa biên giới. Tính từ thời điểm nâng mạnh công suất, sản lượng vaccine vào tháng 5 tới nay, Trung Quốc đã chích ngừa được hơn 1 tỉ liều vaccine. Mức tiêm ngừa trung bình đạt 18,25 triệu liều/ngày trong tháng 6 giúp quốc gia đông dân nhất thế giới đạt tỉ lệ che phủ vaccine 40% tính trên 1,4 tỉ dân. Tốc độ được nâng lên nhanh chóng, giờ chỉ cần khoảng 6 ngày để tiêm cho 100 triệu dân, so với mức 25 ngày trong giai đoạn đầu. 

Chiến dịch tiêm chủng tại Trung Quốc khởi đầu khá chậm, chủ yếu do tâm lý hoài nghi vaccine trong dân chúng. Thăm dò dư luận do hãng tư vấn Morning Consult thực hiện trong tuần từ 8-15/6 cho thấy vẫn có đến 54% số người được hỏi không chắc chắn về việc có đi tiêm phòng hay không, vì lo ngại về phản ứng phụ.

Giới nghiên cứu nhìn nhận nhu cầu tiêm ngừa vaccine tăng cao không đồng nghĩa mọi e ngại về vaccine đã được giải tỏa. Chính việc một vài ổ dịch xuất hiện ở Liêu Ninh, An Huy và Quảng Đông khiến người dân tạm gạt bỏ nghi ngại để tiếp cận vaccine, vì thấy rằng không thể mặc định đại dịch đã được kiểm soát tuyệt đối. 

Theo Alex Cook, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, có nhiều động lực khiến người dân vượt lên nỗi e ngại về vaccine, trong đó cảm nhận của mỗi cá nhân về mối nguy hiểm của dịch bệnh là một nhân tố quan trọng. Nhiều ổ dịch bùng phát khiến nhiều gia đình cảm nhận được nhu cầu cần thiết phải đi tiêm phòng, dù bản thân họ chưa vượt qua được toàn bộ các rào cản, e ngại về vaccine. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Mức độ chấp nhận tiêm ngừa đặc biệt cao ở nhóm đối tượng lo sợ COVID-19 và nguy cơ nhiễm bệnh. Nhiều người quyết định tiêm sau khi cân nhắc kĩ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ, nhất là khi xuất hiện ổ dịch ở Quảng Châu. 

Khi kịch bản 40% dân số được tiêm ngừa vào cuối tháng này gần như chắn chắn nằm trong tầm tay, chính quyền nhiều địa phương không có ổ dịch bùng phát đang áp dụng nhiều hình thức khuyến khích dân chúng đi tiêm. Những người đã tiêm đủ hai liều sẽ nhận được coupon tiền mặt, dầu ăn, sữa hộp, trứng hay thậm chí cả giấy ăn. Các cửa hàng, khu chung cư có ít nhất 80% nhân viên hay dân cư tiêm ngừa sẽ được biểu dương. Một số nơi thậm chí còn công khai vinh danh những người trên 60 tuổi đi tiêm. 

Việc tổng động viên tiêm phòng giúp Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tiêm ngừa cho khoảng 70% dân số vào cuối năm nay. Bức tranh này có phần đối lập với một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, hay Hong Kong – những nơi có nguồn cung vaccine dồi dào nhưng tỉ lệ tiêm ngừa còn thấp. Theo Khor Swee Kheng, bác sĩ chuyên ngành chính sách sức khỏe cộng đồng ở Malaysia, sự khác biệt này đến từ đức tin, văn hóa xã hội và lòng tin của công chúng đối với chính phủ cũng như bối cảnh lịch sử. 

Việc chính phủ Nhật Bản rút khuyến nghị tiêm chủng với một số vaccine cũng như một số vụ kiện đình đám liên quan đến vaccine trong những năm 1990 khiến công chúng không tin tưởng vào vaccine, kích thích phong trào bài vaccine xuất hiện gần đây. Ông Khor cũng cho rằng chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sẵn có của Hong Kong và Nhật Bản cũng khiến người dân có quan niệm vaccine không phải là một biện pháp phòng vệ quan trọng. 

Ngược trở lại thành phố Thẩm Dương, Li Tingting vẫn đang chờ đợi cơ hội để được tiêm ngừa vaccine nội địa. “Vaccine giờ đây đều có sẵn đủ cho hai liều tiêm. Tôi sẽ thử vận may vào tháng 7 tới, khi nhà chức trách tiến hành vòng tiêm chủng mới”, cô chia sẻ. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (SCMP)