10:09 17/10/2010

Yêu thương không bao giờ là đủ…

Những giọt nước mắt đã chảy dài trên má mỗi khán giả, vào những màn cuối của vở diễn, vào cảnh kết thúc của vở diễn; khi cô bé thiên thần Hêtvig, mỏng manh là thế, yếu đuối là thế…



Những giọt nước mắt đã chảy dài trên má mỗi khán giả, vào những màn cuối của vở diễn, vào cảnh kết thúc của vở diễn; khi cô bé thiên thần Hêtvig, mỏng manh là thế, yếu đuối là thế… đã tìm mọi cách để giành lại tình yêu của bố với mình, không phải chỉ vì mình - mà bởi muốn bố vui.




Một cảnh trong vở diễn-Ảnh T.Anh


Xem hết một vở diễn, không muốn nghĩ tới sự xấu xa của lão Veclê khi lừa bạn, rồi lừa con bạn… để “xóa dấu” những sai phạm của mình trong cuộc đời, không muốn ngẫm xem Grêgoa Veclê có thật sự tốt và đúng hay không khi quyết định phanh phui sự xấu xa của bố; cũng không muốn xem mình có đồng tình với chàng nghệ sĩ nửa mùa Hialmar Ekdal về việc đã “vùng lên” khi biết mình đã bị lừa dối cả đời hay không…

Mà chỉ nhớ và nghĩ tới những giọt nước mắt đã chảy dài trên má mỗi khán giả, vào những màn cuối của vở diễn, vào cảnh kết thúc của vở diễn; khi cô bé thiên thần Hêtvig, mỏng manh là thế, yếu đuối là thế… đã tìm mọi cách để giành lại tình yêu của bố với mình, không phải chỉ vì mình - mà bởi muốn bố vui. Và quan trọng hơn, để cảm hóa người cha, để gia đình được trở lại như ngày xưa yên ấm và hạnh phúc… cô bé đã sẵn sàng bắn vào trái tim mình, dùng cái chết của mình để giải quyết mọi ẩn ức trong cuộc đời…

Yêu thương đong đầy…

Hêtvig là một thiên thần, thiên thần ngay từ trong “dụng ý” của đạo diễn khi để cô bé khoác một chiếc áo trắng đầy thanh cao. Vóc dáng mảnh mai và mái tóc xõa dài cũng mong manh và thanh cao. Ốm yếu suốt, cô đơn suốt, chưa một ngày được bước chân vào thế giới của sự giàu sang (khao khát lớn nhất là được bố mang cho một món ngon ngon từ nhà ông Veclê giàu sang về, nhưng cuối cùng cũng chỉ được bố mang về cho… tờ thực đơn của bữa hôm ấy), mơ ước lớn nhất chỉ ấp ủ trong con vịt trời què chân, què cánh mà ông nội đã được “thừa hưởng” từ lão Veclê. Con vịt trời ấy bị lão Veclê bắn trúng cánh khi đi tàu trên biển, chìm xuống đáy biển, bám chặt vào rong rêu không nổi lên. Rồi bị con chó của lão Veclê ngoạm chân lôi lên, tưởng đã chết vì ngâm nước lâu quá; nhưng rồi lại sống…

Con vịt trời quặt quẹo ấy lại là niềm vui lớn nhất, không chỉ cho Hêtvig, mà cả gia đình cô bé, cả ông nội - trung úy Ekdal - người đã bị lão Veclê tống vào tù chịu tội thay cho lão; cả người cha Hialmar Ekdal - giỏi nhất là sáng chế ra những thứ chẳng dùng được và thổi sáo, bình thơ; cả người mẹ - cô hầu Gina vốn đã bị lão Veclê “vùi hoa dập liễu” rồi đẩy cho Hialmar làm vợ… Cuộc sống của cô bé Hêtvig như thế thì đủ hình dung là nó cô đơn, nhỏ bé tới thế nào. Cô có một niềm vui duy nhất là mang lại niềm vui cho cha mỗi tối, nũng nịu mẹ mỗi tối, hàng ngày giúp cha mẹ sửa ảnh cho hiệu ảnh nghèo nàn - đang là nguồn thu của cả nhà… Cô có một căn bệnh đang mang là sự mù lòa có thể đến bất cứ lúc nào, cướp đi chút ánh sáng duy nhất trong đời của cô…

Nhưng niềm vui nhỏ nhoi ấy, “con vịt trời” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng ấy của cô bé cũng đã bị cướp mất vào cuối vở kịch; khi người cha của cô được Grêgoa Veclê “khai sáng”, rằng bao lâu nay, sự giúp đỡ của lão Veclê với gia đình anh ta chỉ vì trả món nợ cho những lỗi lầm lão gây ra, rằng vợ anh ta chính là kẻ đã bị lão Veclê chơi chán rồi vứt cho; và rằng - từ căn bệnh mù lòa mà lão Veclê cũng mắc phải, anh ta chợt đã hiểu - Hêtvig không phải là con mình.

Từ chỗ yêu con nhất mực, tự hào về vợ nhất mực - người đàn ông đã sống cả đời dựa vào sự tằn tiện của vợ, dựa vào niềm vui và sự yêu thương mà đứa con mang tới… đã sẵn sàng hất bỏ cả 2 niềm vui, hạnh phúc ấy đi; biến họ thành tội đồ của mình. Người đàn bà là Gina đau xót vì mười mấy năm sống cùng chồng, yêu thương chồng thật sự đã không xóa bỏ được tội lỗi cô phải mang, vì sự ép buộc của lão Veclê. Nhưng cô bé Hêtvig còn đau đớn hơn, vì tâm hồn non nớt của cô bé không thể chịu nổi sự căm ghét và ghẻ lạnh của cha. Cô bé, đã sẵn sàng tự bắn vào trái tim mình, để mong cha yêu thương mình như xưa, mong ngôi nhà của mình lại vui vẻ và tràn ngập tiếng cười như xưa…

Yêu thương, không bao giờ là đủ. Nhưng yêu thương như cô bé Hêtvig đã làm, đã hi sinh thì là quá đủ, đủ để những tâm hồn cằn cỗi, những con người ích kỷ như Hialmar; những con người cam chịu như Gina, những người chỉ vì phục vụ sự “hoang tưởng chính nghĩa” của mình như Grêgoa đều tỉnh ngộ… Đều hiểu rằng họ đã để một người vô tội trả giá cho những lỗi lầm của mình, sự kém cỏi, tầm thường của mình!

Và không có gì xót xa hơn hình ảnh Hêtvig nằm đó, trong vũng máu, trong ánh mắt sững sờ của tất cả những người lớn quanh cô bé. Những người đã vô trách nhiệm với cuộc sống của mình ngay từ đầu, đã chấp nhận sống trong dối lừa ngay từ đầu… để bi kịch cuối cùng đã xảy ra không thể né tránh!

Những nỗ lực vượt bậc!

Chưa thật sự quá thuần thục trong vai diễn, ngôn ngữ chưa thật sự “vỡ”… nhưng bản thân một kịch bản quá hay đã khiến vở diễn “Con vịt trời” của Nhà hát kịch Việt Nam (trong dự án hợp tác dàn dựng kịch Ibsen giữa Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy và Nhà hát kịch Việt Nam) thành công. Cũng không có gì bất ngờ, bởi kịch bản này của Ibsen thật sự là một kịch bản lẫy lừng thế giới, với một nội dung tư tưởng sâu sắc và một nghệ thuật ngôn từ hoàn hảo.

Nhưng cũng lại phải ghi nhận thêm những nỗ lực không hề nhỏ của đạo diễn Lê Hùng, và sự sáng tạo tuyệt vời của họa sĩ NSND Phùng Huy Bính trong việc dàn dựng sân khấu. Đọc thật kỹ, hiểu thật sâu về Ibsen, NSND Phùng Huy Bính đã quyết định đưa cả sân khấu vào trong một cuốn sách, cuốn sách của Ibsen, mà mỗi trang sách mở ra - là một thế giới, thế giới phồn hoa của gia đình Veclê, thế giới nghèo nàn, tăm tối của gia đình Hêtvig… Và trên sàn cuốn sách ấy, những nhân vật đã sống, đã chết, đã vui, đã buồn, đã dằn vặt, đã đau đớn… Những mâu thuẫn cũng bộc lộ và được cởi bỏ, những khúc mắc, ân oán được giải tỏa… Mọi chuyện đều chỉ trong trang sách của Ibsen mà thôi, nhưng sâu sắc và bao la vô cùng. Và khi vở kịch khép lại, cũng là khi trang sách đóng lại…

Cũng như vậy, ngoài việc thổi thêm một hồn Việt vào vở diễn cho gần gũi hơn với người xem, những mảng miếng cũng được đạo diễn NSND Lê Hùng sử dụng tối đa, mang tới cho mỗi phút diễn trên sân khấu đều kịch tính tới nghẹt thở, mỗi lời nói, mỗi cảnh đều “đắt” tới đáng giá. Và đặc biệt, hình ảnh “con vịt trời” thể hiện bằng nghệ thuật rối đã khiến vở diễn có sự thành công không thể phủ nhận, và mang một ý nghĩa sâu sắc, thâm thúy rất đặc biệt của Ibsen.

Vở diễn sẽ được công diễn rộng rãi, đó thật sự là mong muốn của các khán giả trong đêm ra mắt, bởi lẽ, với một tuyệt tác sân khấu như vậy, thật sự đáng tiếc nếu như sẽ không có nhiều khán giả được biết tới!

T.Anh