10:09 31/10/2014

Yêu nhau ngày kiêng gió

Tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, thay vì ở lại Hà Nội làm việc, Hùng xin phép bố mẹ cho mình lên vùng cao dạy học.

Tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, thay vì ở lại Hà Nội làm việc, Hùng xin phép bố mẹ cho mình lên vùng cao dạy học. Ngày tiễn con trai ra bến xe, bà mẹ bịn rịn ôm con vào lòng, căn dặn đủ điều. Cả hai giọt ngắn giọt dài giữa dòng người chộn rộn. Dù rất buồn khi phải xa gia đình, nhưng Hùng lại thấy vui khi được thực hiện ước mơ của mình.

Lên đến huyện Phong Thổ, theo như sự chỉ dẫn của thầy giáo Chẻo Sử Chìn qua điện thoại và tấm bản đồ trên tay, Hùng đón xe ôm về xã Vàng Ma Chải. Đường lên đó chưa được bê tông hóa, khúc khuỷu uốn lượn như chú trăn khổng lồ trườn mình săn mồi. Vào mùa thu, hai bên triền đồi được tô điểm bằng những bông hoa dại đa sắc: cúc, dã quỳ, xuyến chi, bồ công anh… Khi đến cổng chào của bản, thầy giáo Chìn đã đứng đó tự bao giờ, tay bắt mặt mừng với Hùng như hai anh em ruột. Thầy Chìn đưa Hùng về nhà mình. Gia đình thầy Chìn là người Dao đỏ, tuy có khoảng cách về sắc tộc nhưng họ quý mến Hùng như người trong nhà.

Minh họa: Trần Thắng


Lớp học của Hùng chẳng những đặc biệt ở chỗ các bạn tuy lớn tuổi nhưng học lớp 3, mà còn kinh ngạc khi một số nam sinh, nữ sinh chỉ 14- 15 tuổi đã là ông bố, bà mẹ của vài đứa trẻ. Ở Vàng Ma Chải có tục “kéo vợ” chừng 50 năm nay. Trai gái quen nhau, mến nhau, cứ đợi đến ngày “kiêng gió” (ngày 20 tháng Giêng Âm lịch) là đổ ra đường để kéo. Kéo về ưng thì ở, không ưng thì thôi, ai về nhà nấy. Chuyện con gái 12- 13 tuổi bị kéo về làm vợ rồi có con không phải là chuyện lạ. Hùng rất khó chịu khi nghe thầy Chìn kể lại câu chuyện này, nhưng đó là phong tục tập quán của người Dao đỏ nên Hùng không dám can thiệp. Thầy Chìn cũng là kết quả từ chuyện “kéo vợ” của bố và mẹ thầy.

Một tháng ở Vàng Ma Chải, Hùng được thầy Chìn dẫn đi thăm thú nhiều nơi, biết được nhiều điều mới lạ, thú vị. Học trò của Hùng không tinh nghịch như Hùng nghĩ.

Do Hùng giảng theo phương pháp mới nên các bạn học khá tiến bộ, tiếp thu bài vở nhanh, và say mê lắng nghe Hùng giảng bài. Nhưng khổ nỗi, có nhiều khi đang học, vợ của học sinh nam đến trường gọi về đi rẫy gấp. Dù Hùng không muốn điều đó vì sợ các bạn chững lại sức học, nhưng không cho về thì vợ học trò mình cứ đứng nài nỉ hoài. Rồi từ việc say mê học tập, các bạn quý trọng luôn cả ông thầy người Kinh trẻ măng. Họ nể Hùng từ đấy.

Một chiều, Hùng đang thổi cơm sau nhà, thầy Chìn từ ngoài ngõ chạy vào giục giã:

- Thầy theo tôi ra trường. Thầy hiệu trưởng họp gấp.

Vội mặc vào chiếc quần dài, Hùng ngoan ngoãn ngồi phía sau chiếc xe Cup cà tàng của thầy Chìn.

- Chuyện gì mà họp đột xuất vậy thầy Chìn?

- Tôi cũng không rõ lắm. Nhưng nghe nói phong thanh có giáo viên mới xin về trường mình dạy.

- Người Kinh ư?

- Đã nói là không rõ cơ mà. Ra đó sẽ biết ngay thôi.

Cuộc họp chỉ vỏn vẹn 5 người: Hiệu trưởng, giám thị và 3 giáo viên. Ít phút sau xuất hiện thêm người mới, một cô gái Dao đỏ trạc 20 tuổi. Thầy hiệu trưởng giới thiệu đây là cô giáo mới, Lý Y Sèng, vừa tốt nghiệp trường trung cấp ở tỉnh về.

- Tuy cô Sèng không có chuyên môn sư phạm, nhưng với tâm huyết của mình, tôi tin cô sẽ giúp ích cho trường chúng ta rất nhiều - thầy hiệu trưởng tuyên bố.

Cô Sèng cũng là người xã này, vì muốn ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ, lại giúp ích gì đó cho quê mình, nên cô không vô tình rời bỏ làng quê xuống Hà Nội lập nghiệp như nhiều người trẻ khác. Ngay lần đầu gặp Sèng, Hùng có cảm tình rất lạ, khó bày tỏ. Cô ra dáng sư phạm, đôi mắt buồn và mái tóc dài óng mượt. Cuộc họp kết thúc sớm vì trời tối nên Hùng không có cơ hội hỏi han gì thêm ngoài việc giới thiệu tên tuổi. 6 người ai về nhà nấy sau buổi họp, không có màn bia bọt, chè cháo như ở Hà thành.

- Thầy Hùng! - Thầy hiệu trưởng gọi to khi Hùng và thầy Chìn định lên xe về nhà.

- Dạ, có gì không hiệu trưởng?

- Trời tối rồi, mà cô Sèng về nhà có một mình, tôi nhờ thầy đưa cô ấy về giùm được không? Lấy xe tôi mà đưa về, tôi về với thầy Chìn cũng được.

- Ờ… Dạ, được chứ...

- Vậy thì xe đây, mau chở người ta về liền. Nhớ là không để cô ấy mất sợi tóc nào đấy! - thầy hiệu trưởng pha trò.

Đường về nhà cô Sèng chỉ cách hai cây số nhưng chạy hoài không tới. Bởi hai người vừa đi vừa nói chuyện đời, chuyện nghề.

- Sao cô không ở lại thành phố Lai Châu hoặc xuống Hà Nội làm việc mà trở về nơi heo hút này?

- Ờ… thú thật là tôi, à em không thích nơi nhộn nhịp, nên quyết định trở lại quê nhà. Về đây em thấy mình có sức sống hơn ở thành thị. À, mà anh nói em, còn anh thì sao? Con trai Hà Nội thanh lịch thế này mà lại tìm đến đây? Định lấy vợ miền núi à?

Sèng cười, nụ cười khúc khích nhưng lại rất to trong đêm tĩnh mịch. Hùng thấy khó xử với câu hỏi ấy:

- Ờ… tôi cũng chẳng biết sao nữa. Tự nhiên thấy mình yêu thiên nhiên và con người miền núi nên mới bỏ tất cả sự hào nhoáng của Hà Nội mà mò đến nơi này. Chỉ đơn giản thế thôi.
Câu chuyện được tiếp tục nhờ sự cởi mở, hoạt bát của hai người trẻ. Vì vậy, không gian trở nên sinh động, vui tươi. Hùng đưa Sèng đến trước cửa nhà mà câu chuyện vẫn chưa chấm dứt.

- Ngày mai em sẽ kể tiếp cho anh nghe - Sèng vui vẻ bảo thế.

Chuyện mà Sèng sắp kể là việc Hùng hỏi Sèng có người yêu chưa. Như câu chuyện cổ Ba Tư Nghìn lẻ một đêm không bao giờ kết thúc trọn vẹn, Sèng giữ lại khúc gay cấn để bắc cầu vào ngày mai.

Từ lúc Sèng về trường này dạy, Hùng bỗng dưng yêu đời hơn, không còn khô khan như trước nữa. Anh luôn ngóng trông cho đến ngày chủ nhật để được mời Sèng đi uống nước, đi dạo bản làng, thăm các học trò của mình. Cô Sèng thấy hạnh phúc, an tâm khi đi bên Hùng. Những lúc các học trò nữ 19- 20 tuổi trêu Hùng, cô Sèng thấy khó chịu mà không hiểu vì lý do gì.

Câu trả lời được giải đáp chỉ trong 6 tháng thầy Hùng công tác nơi đây. Hai người đã nảy sinh tình cảm vượt mức tình bạn, tình đồng nghiệp. Tuy nhiên, Hùng dù xởi lởi nhưng lại “nhát gái”, chẳng dám tỏ tình. Bọn học trò biết hai người có tình ý nên ra sức ghép đôi, bày tỏ đủ trò để tạo cơ hội cho Sèng và Hùng đến với nhau. Vậy mà Hùng vẫn im hơi lặng tiếng không chịu tỏ tình.

Mùa xuân. Hoa ban nở trắng rừng vùng Tây Bắc. Ngày kiêng gió đã đến. Người Dao vùng Vàng Ma Chải không làm gì, mọi người đổ ra đường đi chơi như trẩy hội. Từ trẻ em, thanh niên cho đến người già đều ăn mặc đẹp, chỉn chu để đi dạo bản. Người Dao rất kiêng gió, sấm, chim, chuột… nên họ không làm gì. Những ngày kiêng thế này lại là ngày tốt cho việc kéo vợ. Trai gái quen nhau, yêu nhau, tụ tập ở những mỏm đá, khoảng sân rộng, chợ xã… để kéo và cổ vũ cho người kéo. Có khi, chàng trai chỉ đơn phương thích cô gái đó cũng có thể kéo được. Quan trọng là cô gái đó có đồng ý làm vợ hay không. “Nếu cứ lấy vợ theo đúng phong tục mai mối, dạm hỏi… tốn kém lắm, chắc khối anh không lấy được vợ”, bố thầy Chìn giải thích thế.

Được nghỉ dạy nên đầu xuân, Hùng mời Sèng đi dạo bản làng. Hai người trò chuyện trên suốt đoạn đường đi nhưng tuyệt nhiên Hùng không nhắc gì đến chuyện tình cảm giữa hai người. Cô Sèng gợi ý:

- Anh có bao giờ mơ về một tình yêu lãng mạn và một mái ấm hạnh phúc không?

Hùng ấp úng… Đột nhiên ngay lúc đó, một toán thanh niên lao tới kéo cô Sèng đi. Họ kéo vợ. Cả nhóm choai choai phía sau hò hét: “Kéo đi! Kéo đi! Kéo về làm vợ đi!”. Mặc dù Sèng giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi vòng tay của hai thanh niên lực lưỡng. Đám thanh niên này chẳng xa lạ gì, họ đều là học trò của thầy Hùng và cô Sèng. Hoảng hốt, Hùng lao theo chặn đầu họ lại:

- Các em làm gì thế? Dừng lại ngay!

- Thưa thầy, tụi em đi kéo vợ.

- Nhưng… sao lại kéo cô Sèng? Cô ấy là cô giáo của các em mà?

- Chúng em biết chứ! Nhưng cô Sèng là người bản này, lại bằng tuổi bọn em nên đâu có gì là lạ!

- Không được! Thầy nói không là không!

- Tại sao vậy thầy?

- Ờ…

- Tại sao, thầy nói đi chớ?

- Vì thầy… yêu cô ấy và thầy nghĩ cô ấy cũng yêu thầy! Các em bỏ tay cô Sèng ra đi!

Ngay lập tức, nhóm thanh niên vỗ tay hoan hô. Một bạn cầm nguyên bó hoa ban đã chuẩn bị từ trước đưa cho Hùng:

- Tỏ tình đi thầy!

Lúc này, dường như thầy Hùng không còn run sợ nữa, vội quỳ xuống trước mặt Sèng, đưa bó hoa lên cao và nói:

- Làm người yêu anh nhé! Anh yêu em từ lâu rồi nhưng không dám nói vì ngại khoảng cách và vì anh nhát gan.

Sèng cười mãn nguyện. Cô cầm đóa hoa lên ngắm nghía rồi khóc. Những giọt nước mắt hạnh lúc lăn dài trên má Sèng. Hai người ôm nhau trong khung cảnh hữu tình.

- Về thôi bọn bây ơi! Nhiệm vụ xong rồi! - lúc này Hùng mới biết bọn thanh niên đã bày trò để tác hợp cho Hùng và Sèng. Hai người cảm ơn học trò của mình rất nhiều. Nhờ những ông tơ bất đắc dĩ thế này mà Hùng và Sèng đã hiểu nhau hơn, đến với nhau thật bất ngờ và thú vị. Cô Sèng gọi các học trò nán lại, về nhà cô dùng bữa cơm thân mật để tạ ơn. Khỏi phải nói, bọn học trò sướng tít mắt, reo to:

- Hoan hô thầy cô! Để bọn em đến trước chuẩn bị.

Hai người tay trong tay, bước trên con đường uốn cong khúc khuỷu. Dường như họ quên mất thời gian, quên luôn không gian lãng mạn đang vây lấy. Muôn hoa rừng khoe sắc, chim chóc hót vang trời mà họ nào có biết. Họ đang mải mê trong khu vườn cổ tích. Mùa xuân đó, họ chính thức là tình nhân của nhau!

Nguyễn Thanh Vũ