06:09 13/06/2014

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt gây hấn tại Biển Đông

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và gây hấn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hội nghị Lao động Quốc tế (ILC 103) diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) từ ngày 28/5 đến 12/6/2014. Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và gây hấn trong vùng biển của Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát triển tại Hội nghị Lao động Quốc tế


Tại phiên họp toàn thể với sự có mặt của đông đảo các Bộ trưởng, Trưởng Đoàn đại biểu các nước thành viên ILO (Tổ chức Lao động thế giới), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Phạm Thị Hải Chuyền đã nêu bật những thành tựu, kết quả mà Chính phủ và các đối tác ba bên đã và đang triển khai tại Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ luật pháp quốc gia về lao động, việc làm và thúc đẩy việc phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cụ thể là, chính thức phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động hàng hải và Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động; ban hành Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015); tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Dạy nghề; và xây dựng các dự thảo Luật về An toàn vệ sinh lao động và Luật Tiền lương tối thiểu.


Đối với những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết như bảo đảm việc làm và thu nhập cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương (lao động thanh niên, lao động nông thôn, lao động là người khuyết tật...; mở rộng chính sách đảm bảo an sinh xã hội tới khu vực phi chính thức, đối phó với những thách thức khác. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ILO nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và gây hấn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay, các hành động đó đe dọa nghiêm trọng môi trường làm việc an toàn và các hoạt động sinh kế của người lao động Việt Nam trên biển, đi ngược lại các tiêu chuẩn lao động quốc tế và Công ước 186 của ILO về lao động hàng hải. Việt Nam kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp tại khu vực này bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.


Trưởng đoàn Việt Nam cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ILO trong thời gian qua, đặc biệt là việc Việt Nam hoàn thành tốt và có hiệu quả nhiệm kỳ thành viên chính thức của Hội đồng Quản trị ILO, giai đoạn 2011-2014; Triển khai thực hiện Chương trình hợp tác về Việc làm bền vững, giai đoạn 2012-2016; và Ký kết Bản ghi nhớ giữa 5 bên liên quan bao gồm: Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn tại Việt Nam, giai đoạn 2 (2014-2019).


XC