10:12 02/10/2017

Yêu cầu tiêu hủy hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại Củ Chi

Liên quan đến vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho hàng nghìn con lợn tại cơ sở giết mổ Xuyên Á đóng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tiêu hủy toàn bộ số lợn bị tiêm thuốc an thần và công khai danh sách thương lái vi phạm.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

Những ngày này, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh đang khá hoang mang trước thông tin hàng ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ. Đây cũng là điều dễ hiểu khi số lượng giết mổ ở cơ sở Xuyên Á trung bình lên đến hơn 5.000 con/ngày, chiếm 50% lượng thịt tiêu thụ của thành phố. Không những vậy, có đến 70% số lượng thịt lợn bị phát hiện vi phạm trong vụ này lại là lợn truy xuất nguồn gốc – một trong những đề án mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhằm đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, loại thuốc an thần mà các đối tượng sử dụng chứa chất Axeprocemin có hàm lượng rất cao 0,47-0,51mg/lít, có nguồn gốc từ Bỉ.

Lợn chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Tuấn Anh /TTXVN Phát

Loại thuốc này có tác dụng làm cho lợn ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng và gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra chất cấm trước khi giết mổ. Ngoài ra, thuốc này còn làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không giãy giụa, giảm đau đớn để thương lái dễ dàng vận chuyển và thực hiện hành vi bơm nước vào lợn.

Phân tích rõ hơn những tác dụng của loại thuốc an thần này đến sức khỏe con người, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh cho biết, loại thuốc an thần này trước đây dùng cho người, nhưng sau đó chỉ dùng cho thú y. Thuốc này thường được sử dụng cho những con lợn chuẩn bị đẻ, làm dịu thần kinh của lợn, tránh lợn mẹ cắn lợn con. Tuy nhiên, lâu dần, người ta lạm dụng để tiêm cho lợn ngay cả trước khi giết mổ, bởi tiêm thuốc này, lợn sẽ ngủ, không quậy phá làm giảm trọng lượng của lợn.

Ngoài ra, chất này còn làm cho thịt lợn đỏ hơn, dẻo dai hơn. Do thuốc này có thời gian bán thải lâu, nên nếu như tiêm chất này vào lợn quá gần thời điểm giết mổ, chắc chắn sẽ còn tồn dư một lượng không nhỏ trong thịt lợn.

“Nếu con người ăn phải lợn còn tồn dư chất Acepromazine sẽ rất nguy hiểm bởi hoạt chất này tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm ức chế hệ thần kinh trung ương của con người”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, do lượng thuốc mà các thương lái dùng cho lợn chưa đủ nhiều để gây ngộ độc cấp tính nhưng về lâu về dài, nếu ăn thịt lợn tồn dư chất an thần có thể gây ra chứng trầm cảm, buồn ngủ, tụt huyết áp đối với trẻ em, người mắc bệnh tim

Tiêu hủy toàn bộ số lợn bị tiêm thuốc an thần

Trước mức độ nguy hại của việc tiêm thuốc an thần cho lợn và để đảm bảo sức khỏe người dân thành phố, ngày 2/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đoàn Thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn xác định bị tiêm thuốc an thần đã được cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công khai danh sách 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt lợn từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Đồng thời, Sở Công thương cần có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt lợn trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động.

Trước đó, ngay khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản hành chính, ra quyết định xử phạt từ 30-35 triệu đồng đối với chủ của 13 lô hàng vi phạm trong vụ việc này; trong đó, có 11 chủ hàng bị phạt mức bình quân 32,5 triệu đồng/trường hợp, do thành khẩn khai báo và 2 trường hợp bị phạt kịch khung là 35 triệu đồng do không thừa nhận hành vi từ đầu.

Tổng cộng mức phạt dành cho 13 chủ hàng là 427,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á 3 tháng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ xử phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Do đó, đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tới đây, Thanh tra Bộ có thể kiến nghị với Bộ và Chính phủ tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe.


Đinh Hằng – Hứa Chung (TTXVN)