11:14 30/11/2016

Yên Bái triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS

Tỉnh Yên Bái hiện có 4.036 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, chiếm tỷ lệ 0,50% dân số. Điều đó cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Yên Bái đã có chuyển biến tích cực, về cơ bản tỉnh đã kiểm soát được tình trạng gia tăng những người nhiễm HIV trên địa bàn.

Theo BS Phan Duy Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Yên Bái,  trước kia, cứ trên 100 người nghi ngờ nhiễm HIV/AIDS khi làm xét nghiệm thì có đến 10 người nhiễm HIV, nhưng đến nay con số đó chỉ còn 1 - 2 trường hợp. Đáng mừng là đại đa số người dân đã nhận thức rõ được mối nguy hiểm của dịch bệnh HIV/AIDS, từ đó chủ động có các biện pháp để phòng tránh cho bản thân và gia đình. Những người bị nhiễm HIV/AIDS cũng đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn để tránh tình trạng lây lan cho người khác...

Khám, điều trị, cấp thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh:Dương Ngọc/TTXVN.

Để đạt được kết quả này, Yên Bái luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; trang bị những kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Trong đó, Yên Bái đã đa dạng hóa tuyên truyền qua hệ thống truyền thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, thảo luận nhóm, tư vấn cách phòng, tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con tại gia đình; vận động người nghi nhiễm HIV đi xét nghiệm để được điều trị tại cơ sở y tế...

Hiện nay, Yên Bái đã thành lập và duy trì các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS, giúp đỡ người nghiện ma túy, đem lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS. Hoạt động của các câu lạc bộ đã góp phần tích cực trong tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hiểu rõ tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và hạn chế sự gia tăng số người nghiện ma túy và nhiễm HIV trên địa bàn.

Cùng với truyền thông, Yên Bái luôn chú trọng công tác giám sát và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS thông qua xét nghiệm để phát hiện người bị nhiễm, mắc bệnh và thông qua việc quản lý người bệnh cùng các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là các trường hợp người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 11/2016, tỉnh có 12 điểm điều trị ARV cho hơn 1.400 bệnh nhân HIV/AIDS; 7 điểm điều trị Methadone cho gần 1.000 bệnh nhân. Hoạt động truyền thông được triển khai tại 180/180 xã, phường; phát miễn phí gần 400.000 bơm kim tiêm cho gần 900 người nghiện chích ma túy, triển khai toàn diện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và nhiều kết quả nổi bật khác.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng thiếu hụt kinh phí trong bối cảnh các dự án quốc tế cắt giảm viện trợ. Năm 2016, ngân sách từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS kết thúc trên cả nước. Đặc biệt, nguồn thuốc ARV và Methadone cũng sẽ không còn được cấp miễn phí trong thời gian tới. Do đó, người nhiễm HIV nếu không đủ chi phí điều trị sẽ bỏ điều trị ARV, người nghiện chích ma túy sẽ bỏ điều trị Methadone... Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu khống chế, giảm sự lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Yên Bái hiện đang tiếp tục duy trì và ổn định hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thực hiện giải pháp Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, với các hoạt động như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế; đưa nội dung khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng bằng việc duy trì, củng cố các nhóm giáo dục viên, đồng đẳng viên, đẩy mạnh các hoạt dộng chăm sóc và hỗ trợ nhười nhiễm HIV/AIDS...

Đức Tưởng (TTXVN)