09:00 13/09/2011

Yên Bái: Bất cập về địa giới vùng giáp ranh

Bất cập về địa giới hành chính vùng giáp ranh giữa hai thôn Chiềng Pằng 1 và Chiềng Pằng 2 của xã Gia Hội, huyện Văn Chấn với thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự khu vực này nếu chính quyền không giải quyết triệt để, kịp thời.

Bất cập về địa giới hành chính vùng giáp ranh giữa hai thôn Chiềng Pằng 1 và Chiềng Pằng 2 của xã Gia Hội, huyện Văn Chấn với thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự khu vực này nếu chính quyền các cấp không giải quyết triệt để, kịp thời.

Khu vực giáp ranh giữa thôn 6 của xã Phong Dụ Thượng và hai thôn Chiềng Pằn 1 và 2 của xã Gia Hội thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Theo bản đồ địa giới hành chính số 364 được Chính phủ phê chuẩn năm 1995, toàn bộ số diện tích tranh chấp giữa người dân xã Gia Hội và Dự án trồng rừng phòng hộ của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên thuộc đất đai do xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên quản lý.

Tuy nhiên, vào khoảng năm 1970, người dân Gia Hội đã bắt đầu khai hoang vào khu vực giáp ranh với xã Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên và canh tác ổn định từ đó cho đến nay. Hiện trong thôn Chiềng Pằn 1 và 2 có khoảng gần 140 hộ dân đang canh tác trên diện tích 60 ha, trong đó có 35 hộ ở cố định tại khu vực đất tranh chấp. Hàng năm vẫn xảy ra việc người dân phát nương trái phép vào rừng phòng hộ, thậm chí có nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của cả hai huyện Văn Chấn và Văn Yên. Khi Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên triển khai dự án trồng rừng phòng hộ tại khu vực thôn 6, xã Phong Dụ Thượng thì chỉ trồng trên diện tích trống chứ không trồng trên diện tích đất đã khai hoang ruộng nước hoặc đang trồng cây khác.

Nhưng người dân xã Gia Hội vẫn vin vào lý do "đòi lại đất canh tác của mình" nên cuối tháng 7 người dân Chiềng Pằn 1 và 2 lại tiếp tục sang diện tích đất đang thi công trồng rừng đặc dụng để trồng màu và chăn thả gia súc. Nếu việc tranh chấp không được giải quyết dứt điểm sẽ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như trồng rừng tại khu vực.

Để giải quyết vấn đề tranh chấp này, chính quyền hai huyện Văn Chấn và Văn Yên đưa ra hai phương án là: Điều chỉnh địa giới hành chính để thuận lợi cho việc quản lý hoặc cắt chuyển số dân xâm canh về nhập khẩu tại thôn 6, xã Phong Dụ Thượng. Tuy nhiên, cả hai phương án đều đang có những vướng mắc cần tháo gỡ. Nếu theo phương án 1 sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân, còn áp dụng phương án 2 là điều chỉnh lại địa giới hành chính (vẽ lại bản đồ) cho phù hợp với thực tế quản lý đất đai thì phải trình lên Chính phủ. Riêng về việc các hộ dân xã Gia Hội sang phá hoại cây cối dự án trồng rừng phòng hộ của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, các cấp chính quyền giữa hai huyện cũng cần sớm có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đức Tưởng