06:08 06/06/2011

Yêmen bắt đầu chuyển giao quyền lực?

Ngày 5/6, Phó Tổng thống Yêmen Abdrabuh Mansour Hadi đã tiếp quản chức quyền Tổng thống và Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải sang Arập Xêút điều trị vết thương do vụ tấn công hôm 3/6 gây ra.

Ngày 5/6, Phó Tổng thống Yêmen Abdrabuh Mansour Hadi đã tiếp quản chức quyền Tổng thống và Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải sang Arập Xêút điều trị vết thương do vụ tấn công hôm 3/6 gây ra. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố sẽ tìm mọi cách ngăn cản ông Saleh trở về nước và những người ủng hộ phe đối lập đã ăn mừng với cái mà họ gọi là “sự chấm dứt 33 năm cầm quyền của Tổng thống Saleh”.

Những người ủng hộ phe đối lập ăn mừng cái mà họ gọi là sự ra đi của ông Saleh ở Xana ngày 5/6. Ảnh: AFP - TTXVN

Theo hãng thông tấn nhà nước Saba và đài truyền hình quốc gia Yêmen, tối 4/6, Tổng thống Saleh cùng Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề nội vụ và Chủ tịch Quốc hội của Yêmen đã tới thủ đô Riát của Arập Xêút để trị thương. Các quan chức này đã bị thương trong vụ tấn công bằng rốckét vào một nhà thờ trong khuôn viên Dinh Tổng thống hôm 3/6, làm 11 người thiệt mạng và 124 người bị thương. Theo Hiến pháp Yêmen, khi Tổng thống vắng mặt, Phó Tổng thống sẽ đảm nhận vị trí này.

Một quan chức giấu tên của Arập Xêút tiết lộ với hãng tin AFP (Pháp) rằng, ông Saleh đến Riát trên một máy bay y tế của Arập Xêút trong khi gia đình ông cũng được đưa đến đây bằng một máy bay y tế khác. Cũng theo quan chức này, ông Saleh bị bỏng và xây xước ở mặt và ngực (trước đó có nguồn tin ở Yêmen nói rằng ông Saleh bị thương ở sau đầu). Hãng tin Reuters (Anh) và Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ một bệnh viện ở Riát cho biết, ông Saleh phải phẫu thuật ngực để lấy mảnh đạn ra.

Giới chức Yêmen khẳng định, Tổng thống Saleh sẽ trở về nước trong vài ngày tới. Tuy nhiên, phe đối lập ở nước này đã tuyên bố sẽ ngăn cản sự trở về của ông Saleh. Người phát ngôn của phe đối lập ở Quốc hội Yêmen, Mohammed Qahtan nói với AFP rằng họ sẽ làm hết sức để ngăn cản ông Saleh trở về nước và coi đây là bước khởi đầu việc kết thúc chế độ của ông Saleh. Hàng chục nghìn người ủng hộ phe đối lập ở thủ đô Xana và thành phố lớn thứ 2 đất nước là Taez ngày 5/6 đã đổ ra đường ăn mừng cái mà họ gọi là “sự chấm dứt 33 năm cầm quyền của ông Saleh”.

Hiện trường vụ tấn công hôm 3/6 khiến Tổng thống Saleh cùng nhiều quan chức Yêmen bị thương. Ảnh: AFP - TTXVN

Người phát ngôn phe đối lập Qahtan cũng tuyên bố, “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ông Abdrabuh Mansour Hadi nhưng vấn đề là liệu các con trai của ông Saleh có sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho ông Hadi hay không” (con trai cả của ông Saleh là Ahmed hiện là Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Yêmen).

Theo tiết lộ với AFP của một nguồn tin thân cận với Tổng thống Saleh, ông Hadi và con trai Ahmed của ông Saled đã tổ chức cuộc họp cấp cao với một số quan chức quân đội Yêmen ngay tối 4/6. Trong khi đó, hãng thông tấn Saba cho biết, ngày 5/6, ông Hadi đã gặp Đại sứ Mỹ tại Yêmen, Gerald Michael Feierstein để thảo luận về “tầm quan trọng của việc hợp tác với phe đối lập ở quốc hội”.

Liên quan đến cuộc xung đột ở Yêmen, các nhân chứng cho biết, ngày 5/6 căng thẳng đã tạm lắng tại thủ đô Xana mặc dù còn lác đác tiếng rốckét và pháo ở quận Al - Hassaba. Một nguồn tin thân cận với thủ lĩnh Sadiq Al-Ahmar của bộ lạc ly khai chống chính phủ cho biết vị thủ lĩnh này "Cam kết ngừng bắn dựa trên các nỗ lực hòa giải của Quốc vương Arập Xêút". Tuy vậy, nhiều dân thường đã chuẩn bị rời thủ đô Xana để tránh thương vong.
Cùng ngày, các lực lượng an ninh và quân đội Yêmen đã rút khỏi tỉnh Taez, cách thủ đô Xana 200 km về phía nam, sau một tuần giao tranh với các tay súng bộ tộc đang nắm giữ một số tòa nhà chính phủ. Một quan chức chính phủ giấu tên cho biết các lực lượng an ninh đang chuẩn bị cho những cuộc tấn công lớn nhằm vào các tay súng bộ tộc chống chính phủ và giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ.

Trong khi đó, Nga đã bày tỏ quan ngại về cuộc nội chiến kinh hoàng ở Yêmen và kêu gọi các lãnh đạo nước này chấp nhận kế hoạch hòa giải do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất, theo đó, ông Saleh sẽ từ chức và đổi lại được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Trước đó, Mỹ và Pháp cũng đã lên án tình hình bạo lực hiện nay ở Yêmen đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức. Hiện ông Saleh vẫn giữ quan điểm không từ bỏ quyền lực mà ông đã nắm giữ suốt 33 năm qua.

Minh Minh