10:13 15/10/2015

Y tá người Anh từng nhiễm Ebola tái nhập viện

Nữ y tá 39 tuổi người Anh Pauline Cafferkey, từng nhiễm Ebola và được điều trị lành bệnh hồi tháng 1/2015 hiện lại rơi vào tình trạng nguy kịch khi các virus này có dấu hiệu xuất hiện trở lại trong cơ thể cô.


Bệnh viện Royal Free tại London.

Trước đó, nữ y tá này phát hiện nhiễm dịch lần đầu vào tháng 12/2014. Cô được cách ly điều trị tại bệnh viện Royal Free (London) trong vòng 1 tháng, sử dụng một loại thuốc kháng virus Ebola thử nghiệm và truyền máu của bệnh nhân sống sót trước khi được xuất viện.

Đến ngày 6/10, Cafferkey tái nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch và hiện đang được điều trị tích cực, cách ly tuyệt đối. 58 người từng tiếp xúc với cô đang bị cách ly, 25 người tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ cơ thể của nữ y tá đã được áp dụng các biện pháp điều trị nhằm ức chế sự phát triển của loại virus này.

Đây là trường hợp tái phát thứ 2 sau trường hợp bác sĩ người Mỹ Ian Crozier.

Virus Ebola có thể tồn tại trong trong tinh dịch của những bệnh nhân nam ít nhất 9 tháng kể từ khi nhiễm virus, thời gian này lâu hơn rất nhiều so với mọi ước tính được đưa ra trước đó.

Kết quả nghiên cứu trên càng gây ra nhiều lo ngại liên quan đến việc điều trị thế nào và bao giờ mới có thể xóa bỏ hoàn toàn dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người trên thế giới này.

Theo thông tin mới nhất được các nhà khoa học công bố ngày 14/10 trên tạp chí dược học "New England Journal of Medicine", 93 nam bệnh nhân trên 18 tuổi, sống sót sau dịch bệnh ở Sierra Leon, đã tình nguyện hiến tinh trùng của mình phục vụ mục đích nghiên cứu. Nhóm các bệnh nhân này đã mắc bệnh cách thời điểm tham gia nghiên cứu từ 2 đến 10 tháng.

Kết quả dương tính với Ebola được tìm thấy ở 100% nhóm bệnh nhân mắc bệnh trong vòng 3 tháng trước nghiên cứu, 65% ở nhóm mắc bệnh từ 4 đến 6 tháng trước đó và 25% với bệnh nhân mắc bệnh từ 7 đến 9 tháng trước đó.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả nghiên cứu sơ bộ vì vậy các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định liệu virus Ebola còn sống và còn khả năng lây bệnh hay không. Hiện các nhà khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ hiện đang tiến hành những nghiên cứu sâu hơn để xác định điều này.

Các nhân viên y tế Liberia kiểm tra thân nhiệt hành khách đi qua khu vực cửa khẩu Jendema. Ảnh: AFP/ TTXVN

Như vậy, dù có dấu hiệu tạm lắng với số người nhiễm mới giảm đáng kể thì Ebola vẫn là mối đe dọa thường trực đối với những bệnh nhân sống sót và người thân của họ. Theo ông Bruce Aylward, chuyên gia nghiên cứu Ebola của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 17.000 người ở Tây Phi từng mắc Ebola và may mắn sống sót sẽ vẫn cần được theo dõi trong ít nhất 6 đến 12 tháng tiếp theo để đảm bảo những người thân của họ không có nguy cơ lây nhiễm Ebola.

WHO khuyến cáo các nam bệnh nhân nên kiểm tra lại sau 3 tháng mắc bệnh và kiểm tra đều đặn hàng tháng sau đó cho đến khi chắc chắn không còn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời những nam bệnh nhân này chỉ nên quan hệ tình dục sau khi có kết quả âm tính trong ít nhất 2 lần kiểm tra tinh dịch, vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với tinh dịch để tránh lây lan virus nguy hiểm này cho người xung quanh.

Hiện những người sống sót là đầu mối giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để có những hiểu biết sâu hơn về dịch bệnh này cũng như những tác động lâu dài của Ebola đối với người đã lành bệnh.

Sierra Leone không ghi nhận ca nhiễm Ebola nào trong 4 tuần


Trong một diễn biến khác, ngày 14/10, chính quyền Sierra Leone cho biết trong 4 tuần qua, nước này không ghi nhận ca nhiễm Ebola mới nào, tiếp tục quá trình đếm ngược đến ngày tuyên bố chấm dứt dịch Ebola.

Phát biểu trong cuộc họp báo, người đứng đầu Trung tâm quốc gia đối phó với Ebola, ông Palo Conteh thông báo Sierra Leone không ghi nhận trường hợp dương tính với virus Ebola và cũng không có thêm người nào bị cách ly.

Sau khi hai bệnh nhân Ebola cuối cùng được xuất viện ngày 27/9 vừa qua, Sierra Leone bắt đầu đếm ngược 42 ngày trước khi tuyên bố hết dịch Ebola, tức ngày 8/11 tới.

Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nước có thể tuyên bố “thanh toán” dịch Ebola 42 ngày sau khi trường hợp cuối cùng có hai lần được xác nhận âm tính với virus.

Kể từ khi Ebola bùng phát tại miền Nam Guinea tháng 12/2013, hơn 28.000 người đã nhiễm bệnh và 11.300 người tử vong, chủ yếu ở ba nước Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Riêng tại Sierra Leone, có khoảng 4.000 ca tử vong do Ebola tính từ tháng 5/2014. Hiện cả ba nước không có trường hợp nào bị xác nhận nhiễm Ebola trong hai tuần liên tiếp, một dấu mốc mới trong cuộc chiến chống căn bệnh chết người này.

TTXVN/Tin Tức