Xiếc 'Làng tôi'- Một vẻ đẹp Việt

Dù mở màn chậm đến nửa giờ, bởi một lý do bất khả kháng nhưng khán giả vẫn không sốt ruột, bởi một không gian hấp dẫn, có tiếng chim hót, nhẹ nhàng và êm đềm mà “Làng tôi” đã đem đến trong đêm diễn.


Để khi xuất hiện, sân khấu với gam nâu chủ đạo, và những hình tượng chắt lọc và tối giản gợi ra một làng quê đồng bằng Bắc bộ từ tờ mờ sáng. Ánh đèn mờ tỏ khoảng canh tư, thấp thoáng bóng người, tiếng gà gáy râm ran. Đàn ông đàn bà thôn quê sửa soạn ra đồng, vãi thóc gieo mạ.Thúng mủng dần sàng, cày cuốc, thuốc lào... một ngày của vạn ngày trong một vòng xoay vô tận của thời gian.


Kết thúc là khi màn đêm buông xuống, một cánh võng ru con, một cô gái ngồi khâu, một chàng trai ngồi hát. Câu ca dao vắt vẻo loang vào thinh không, à ơi công cha nghĩa mẹ.


Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Toàn bộ cuộc sống sinh hoạt làng xã của người Việt tự bao đời: Mò cua bắt ốc, đi cấy sáng trăng, buôn thúng bán bưng, chợ phiên, tụng kinh, gõ mõ, ả đào, quan họ, cho đến dựng nhà, lấy vợ, những buổi nông nhàn… Có thể liên tưởng cả hình tượng anh Mõ, anh Hề, Chí Phèo - Thị Nở… được nghệ thuật hóa thành một câu chuyện trong tổng hòa của bốn loại ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau: Kịch, Xiếc, Âm nhạc, Hội họa.


Chừng 20 diễn viên không ngừng biến hóa và nhào lộn với nghệ thuật xiếc, nhưng chính họ đồng thời là một “tay đàn”, một “giọng ca” hồn nhiên, mộc mạc. Những đoạn tre ngắn là “bộ gõ của dàn nhạc”, những thân tre dài vừa là đạo cụ để biểu cảm ngôn ngữ xiếc vừa như một nghệ thuật sắp đặt tái hiện cuộc sống không ngừng chảy trôi nhưng yên bình của một thôn làng.


Tre là chất liệu chính của vở diễn. Một chất liệu với hình hài và màu sắc rất đặc trưng tâm lý Việt và gợi cảm với mọi cái nhìn. Không chỉ là xà ngang, xà dọc, để diễn viên xiếc thể hiện bài diễn, tre tham gia vào câu chuyện làng. Mấy chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục biến hóa vị trí để tạo ra những hình tượng sinh động trên sân khấu. Khi là chiếc cầu tre, khi lại hóa thành sóng nước, khi thành nhà cửa, khi tạo thành phông nền cho không gian làng Diễn viên nhào lộn, uốn dẻo, tung hứng, đu mình… với những thân tre làm thành các tiết mục vô cùng hấp dẫn.


Đêm diễn "Làng tôi" là sự kết hợp hài hòa của âm thanh, ánh sáng, màu sắc và ý tưởng nhân văn của câu chuyện làng quê. Người xem được chìm đắm trong những khoảng êm đềm, thanh bình của một không gian rộng lớn được nhân cách. Nhưng cũng có lúc bừng lên vỗ tay không ngớt vì diễn viên thực hiện một động tác xiếc khó và đẹp mắt.



Hơn một tiếng đồng hồ, “Làng tôi” đã mang lại cho khán giả thủ đô một bữa tiệc nghệ thuật vô cùng ấn tượng. Nhà tổ chức, doanh nhân Đỗ Ngọc Minh, người say mê các sáng tạo độc đáo, đại diện cho chuỗi thương hiệu: Luala, Soi, Tuần Châu… đã đem chương trình đến với mọi người.


“Xiếc tre” là một kiểu xiếc mới ở cả Việt Nam và thế giới. Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam vào năm 2005, còn nhiều lủng củng, cần hoàn thiện hơn về mặt ý tưởng và nội dung. Năm 2009, vở xiếc tre với tên gọi “Làng tôi” lần đầu tiên được công diễn tại Pháp, gây sự chú ý đặc biệt. Kể từ đó, “Làng tôi” có hơn ba năm “chu du” nước ngoài, với hàng trăm đêm diễn cháy vé.


Vở diễn đã làm sáng lên tên tuổi của đạo diễn Tuấn Lê và nghệ sĩ âm thanh Nhất Lý. Đêm diễn có nhiều khán giả nước ngoài tới xem, họ nói rằng, dù không hiểu hết nội hàm câu chuyện nghệ thuật, nhưng họ rất xúc động vì hình ảnh và âm thanh tuyệt vời đã chạm được vào cảm xúc của họ.


Sau đêm diễn đánh dấu sự trở về chính thức vào ngày 10/8, “Làng tôi” dự kiến được diễn định kỳ hàng tuần từ tháng 4/2013. Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - sau nhiều lần công diễn, "Làng tôi" đã bỏ đi rất nhiều yếu tố ôm đồm ban đầu, như góc nhà rông Tây Nguyên, nhà sàn Tây Bắc, màn xiếc trăn, chỉ để giữ lại một màn xiếc tre thuần Bắc bộ. Những yếu tố khác để dành cho những dự án tiếp theo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.



Trần Thị Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN