Văn hóa trong quảng cáo

Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, quảng cáo là một loại hình hấp dẫn trong các chuỗi hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy mà nhiều nhà sản xuất đã không ngại bỏ ra một số tiền khổng lồ để đầu tư cho dịch vụ này.


Tuy nhiên, để bán được nhiều hàng, không ít nhà kinh doanh đã không ngại lấy phương tiện làm mục đích, tìm đủ mọi chiêu thức để đề cao sản phẩm, đôi khi tâng bốc, tô hồng thái quá, đi ngược với những chuẩn mực đạo đức khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu và bị phản cảm, nhất là những mẫu quảng cáo ở nước ngoài được lồng ghép một cách khiên cưỡng, không phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của nước ta.


Đôi khi sự cường điệu của các nhà quảng cáo đã vô tình biến những mẩu thông tin trở thành những màn trình diễn ảo thuật, lố bịch nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh thị phần. Đáng lẽ quảng cáo là nhịp cầu giao cảm của người tiêu dùng với nhà sản xuất, họ lại lợi dụng lòng tin của khách hàng, cố tình "vẽ rồng vẽ rắn" nhất là thuốc đông dược, mỹ phẩm, đồ lót phụ nữ, các loại thực phẩm chức năng… khiến nhiều người hoang mang, thậm chí nhầm lẫn không biết đâu là thật - giả, đúng - sai, làm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.


Gần đây phong trào quảng cáo tuy rầm rộ, hoành tráng, phô trương với nhiều kỹ thuật tân kỳ, dùng nhiều mỹ từ như siêu mỏng, siêu mượt, hơn cả tuyệt vời, giúp các bà ham muốn… nhưng nội dung chất lượng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc khiến cho dư luận quan tâm.


Hình thức và nội dung trong một số quảng cáo còn bộc lộ nhiều điều nghịch lý, phản sư phạm, làm ảnh hưởng nếp sống văn hóa, giáo dục và tổn hại đến nền tảng, luân lý, trật tự gia đình. Điển hình như việc dùng hai miếng vỏ sò để đập vào nhau rồi bảo nhờ có kem đánh răng mới không bể (một sự lừa dối trẻ em hoàn toàn trái với nguyên lý sư phạm).


Hoặc như quảng cáo về thức ăn, thức uống, hàng chục em gái nhảy tưng tưng rồi thi nhau rít, hút, mặt mày nhăn nhó và hét Yo! Yo! Thậm chí có em bay qua đường, bất chấp luật lệ giao thông để giành cho được món ăn… Ăn uống kiểu đó còn gì là văn hóa, là văn minh lịch sự! Đã tạo ra sự lệch lạc về cách ăn, cách uống của giới trẻ, trái với lời dạy của ông cha ta “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.


Với hình thức quảng cáo thiếu tính mô phạm như thế đã làm cho nhà trường và phụ huynh vô cùng lo lắng. Đối với một số chương trình quảng cáo dành cho người lớn và thiếu nhi cũng thể hiện tính khoa trương, xem thường dư luận, gây tác hại rất lớn đến việc giáo dục đạo đức tư tưởng trong nhà trường.


Trong quảng cáo một vài sản phẩm họ còn lợi dụng sự ngây thơ trong trắng của trẻ thơ để làm trò đùa, trong khi các cháu chưa đủ trình độ và trí khôn để cảm nhận thế nào là nước tương sạch, nước mắm tinh khiết, mì hảo hạng…


Bác Hồ đã từng dạy "Trẻ con như búp trên cành” và các nhà tâm lý học trên thế giới cũng đã từng nói "Trẻ con như tờ giấy trắng, ai muốn viết gì lên đó cũng được”. Xin các nhà quảng cáo hãy buông tha cho các em, đừng níu kéo các em vào con đường "ăn gian nói dối”, cũng đừng làm cho tâm hồn các em vẩn đục bằng những hành động miễn cưởng và lời nói vô thức.


Ai cũng biết quảng cáo không đúng sự thật chẳng khác nào đóng kịch, đảo lộn, thật giả, lại còn tự lừa dối mình.


Điều 168, Bộ Luật Hình sự của nước ta đã quy định rõ về quảng cáo gian dối, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thể bị xử phạt bằng tiền, thậm chí phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trên thực tế cũng đã có nhiều mục quảng cáo bị dư luận và báo chí phê bình, tẩy chay.


Tuy nhiên, bên cạnh những lời quảng cáo chân thực, lành mạnh, thể hiện tính văn hóa cao, vẫn còn không ít lời lẽ "đại ngôn" sai sự thật và bát nháo trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến cho nhiều người vô cùng bức xúc.


Chúng ta rất mong mỏi ngành dịch vụ quảng cáo và các cơ quan chức năng hãy tích cực góp phần vào nội dung quảng cáo, chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng hàng hóa và ý nghĩa giáo dục trước khi phổ biến đến công chúng. Chắc chắn mọi người sẽ hoan nghênh và ủng hộ những công ty đã quan tâm đưa vào quảng cáo những nội dung tuyên truyền lành mạnh, bổ ích bằng các hình thức giáo dục sâu sắc nhằm khôi phục những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.



Hoài Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN