Thi đua khen thưởng phải thực chất

Từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác thi đua khen thưởng vì công tác này là nhân tố, động lực, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trong mọi giai đoạn lịch sử.


Tuy nhiên theo suy nghĩ của tôi: Thời gian qua công tác tuyên truyền về các gương điển hình cá nhân, tập thể chưa nhiều, thiếu chiều sâu, chưa làm rõ hoàn cảnh, điều kiện, cách làm, hiệu quả mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó là chưa kể đến việc định hướng, chỉ dẫn cách làm theo như thế nào để đạt kết quả cao nhất.


Một số cơ quan, đơn vị hô hào khẩu hiệu phát động thi đua nhưng còn thụ động, lúng túng trong kế hoạch thực hiện. Cụ thể thi đua như thế nào? Tiêu chí cụ thể ra sao? Việc tuyên truyền phải làm gì? Mức độ khen thưởng ra sao? Thời gian sơ, tổng kết lúc nào là phù hợp. Đáng lo ngại là có nhiều đợt tổng kết thi đua khen thưởng khá rầm rộ, hoành tráng nhưng bài học kinh nghiệm quý báu sau đợt thi đua này là gì thì chưa được phân tích, đánh giá sâu sắc, nghiêm túc.


Một lo ngại khác là việc xét khen thưởng, thi đua chưa dân chủ, công bằng, công minh, khách quan. Sở dĩ phải nêu ra vấn đề này vì trong thực tế một số cơ quan, đơn vị bình xét thi đua theo phương châm xét danh hiệu, tiêu chuẩn cao nhất cho lãnh đạo rồi sau đó mới đến cấp dưới. Hệ lụy đi kèm là thủ trưởng mặc nhiên được xét “ưu tiên”.


Vấn đề đặt ra là việc xét khen thưởng như trên đã không khách quan vì thiếu cân nhắc, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên và cấp dưới. Như vậy nếu một cán bộ bình thường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì việc xét khen thưởng ở cấp cao sẽ không thành hiện thực.


Ở góc độ lo ngại khác, một số hội đồng thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị không nắm chắc quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó công tác thẩm định những văn bản đề nghị do cấp dưới chuyển đến không tư vấn, kiểm tra công tác thi đua khen thưởng ở các cấp do mình quản lý.


Nhiều nơi còn đưa ra tiêu chí không phù hợp, không khả thi, gây tác dụng nghịch vừa lãng phí, làm giảm không khí thi đua. Có cả trường hợp “vận dụng” toàn bộ tiêu chí thi đua của đơn vị khác áp đặt vào phong trào thi đua của mình dẫn đến trống đánh xuôi kèn thổi ngược.


Một số hội đồng thi đua khen thưởng chưa thật quan tâm đến công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi kết thúc các đợt thi đua, chỉ tập trung phản ánh vào dịp tổng kết năm. Công tác truyền thông chỉ tập trung chủ yếu vào các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa khai thác triệt để thế mạnh tuyên truyền miệng trong các loại hình họp tổ, đội, hội, nhóm… các lễ hội truyền thống dân gian trong thân tộc, xóm làng…


Muốn đánh giá chính xác, khách quan một điển hình cá nhân, tập thể xuất sắc cần đội ngũ cán bộ thi đua khen thưởng thật công tâm, đạo đức tốt, chuyên môn sâu, nắm chắc tình hình thực tế, phân tích, đánh giá, dự báo tình huống nhạy bén, căn cơ. Nhìn lại quá khứ, chúng ta tự hào về thành công của các phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu như: “Tất cả cho tiền tuyến”; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” động viên sức người, sức của, tập trung nhân tài vật lực góp phần quyết định làm nên đại thắng mùa xuân 1975.


Hiện nay cả nước đang tập trung triển khai kế hoạch “Cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới” thì hơn bao giờ hết công tác thi đua, khen thưởng phải tiếp tục là động lực mới.


Do đó, cần một sự đánh giá khách quan đi kèm với việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy thi đua khen thưởng các cấp.



Tam Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN